Dim Sim – cầu nối văn hóa đa quốc gia.

Ẩm thực Trung Hoa – ẩm thực thế giới:

Trong khi hầu hết người châu Á chúng ta quen thuộc với những món điểm tâm – dim sum, vốn là những món khai vị trong bữa ăn của người Trung Quốc, thì người da trắng tại Úc gọi những món ăn này là Dim Sim. Trong lịch sử di dân từ ngàn năm của người Hoa men theo con đường tơ lụa, cả thế giới không còn xa lạ với những món ăn Trung Hoa. Thậm chí, có những món ăn nổi tiếng của người Hoa được sinh ra tại những ”quê hương mới”.

Người Úc cải tiến món Xíu mại thành Dim Sim. Mì tương đen, hay còn gọi là mì Jajang, được sáng tạo ra bởi những người Hoa tại Hàn Quốc. Bánh Fortune Cookies, loại bánh mà tới giờ phút này vẫn có hàng triệu người lầm tưởng xuất phát từ Trung Hoa, thật ra khai sinh tại nước Mỹ.

Bánh fortune cookies
Mì Tương đen

Món ăn Trung Hoa đã theo chân những người con xa xứ đi khắp các ngõ ngách thế giới. Sự đơn giản và tinh tế trong cách chế biến làm rung động bao tử và cả trái tim của những người da trắng.

Sẽ không ngoa khi nói rằng ẩm thực Trung Hoa đã trở thành ẩm thực chung của thế giới. Mọi vấn đề rào cản văn hóa, ngôn ngữ, chủng tộc, dường như chỉ thu bé lại bằng một đĩa thức ăn.

Xíu mại chẳng ngại Cold War

Món xíu mại truyền thống của người Hoa

Há cảo và xíu mại là hai món ăn nổi tiếng nhất của ẩm thực Trung Hoa. Từ những năm 1890, đồ ăn Trung Hoa đã theo chân những thợ đào vàng người Hoa di dân tới nước Úc, và chiếm tới 30% các món ăn hằng ngày của người Úc. Nhưng đến năm 1901, khi chính quyền nước Úc siết chặt lệnh cấm nhập cư với người Trung Quốc, thì giai thoại về Dim Sim mới đến hồi gây cấn.

Dim Sim – ”hậu nhân” của món Xíu Mại truyền thống

Trong lúc người ta tưởng chừng món Dim Sum sẽ rời khỏi những xứ sở mới, theo chân những người Hoa bị trục xuất về nước, thì lịch sử đã chứng minh rằng không có rào cản văn hóa nào con người không thể vượt qua. William Chen Wing Young – vốn cũng là một nạn nhân bị chia cắt gia đình, trở thành người được gọi là cha đẻ của món Dim Sim – truyền thừa của món Dim Sum sau cuộc chiến tranh lạnh.

Gia đình Chen tại Melbourne năm 1928

Năm 1940, vợ và hai con của William phải trở về Trung Quốc, trong khi ông vốn được sinh ra tại Úc, thì được ở lại. Phải mất 5 năm để họ được đoàn tụ. Và William đã dành quãng thời gian nhớ thương vợ con ấy để sáng tạo ra chiếc máy sản xuất xíu mại hàng loạt. Ông bỏ chúng lên xe tải, và mang những chiếc Dim Sim đi bán khắp những ngõ ngách của bang Victoria thời đó.

William đặt cho những viên xíu mại cải tiến cái tên Dim Sim

Dim Sim – tượng đài văn hóa

Đầu bếp ngôi sao Elizabeth Chong – con gái của William, cha đẻ món Dim Sim

Ngày nay, những chiếc Dim Sim bé nhỏ được sản xuất hàng loạt, nằm trong góc gian hàng thực phẩm chế biến của hầu hết mọi siêu thị tại nước Úc. Thị trưởng thành phố Melbourne, nơi có những người Hoa đầu tiên theo cơn sốt đào vàng di dân đến đây, đã nói rằng: ”Người dân Úc không cần tượng đài hay bia tưởng niệm gì cả. Di sản văn hóa của chúng ta, năm trên bàn ăn mỗi ngày”.

(bài viết được trích từ Smith Journal 30)