Best-selling cho non-fiction tháng 8 – bạn đã đọc quyển nào chưa?

1/ The books of road and kingdom by Richard Fidler – câu chuyện về đế chế Hồi Giáo

Richard Fidler là người dẫn chương trình mà mình đã theo dõi nhiều năm qua show Conversations with Richard Fidler (tiếc là hiện đã đổi người dẫn). Ông còn là tác giả một vài cuốn sách về những vương quốc cổ xưa (hành trình từ hưng thịnh đến suy vong) như đế chế Byzantine (nay là Istanbul), Vikings, hay người Bohemia (nay là Prague, cộng hoà Czech).

The books of road and kingdom là cuốn sách mới nhất cuả Fidler, và là công trình nghiên cứu về đế chế Hồi Giáo của Trung Đông ở thời kỳ cực thịnh (khoảng thế kỷ thứ 10). Cuốn sách theo chân một nhà thám hiểm sống ở thế kỷ thứ 10 tên Ibn Fadlan. Là một người dân của đế chế Hồi Giáo Trung Đông thời đó, mà thủ phủ nằm tại Baghdad, ông Ibn Fadlan cũng được khuyến khích tìm kiếm những vùng đất mới, xứ sở mới, mà theo Richard Fidler miêu tả, là “một văn hoá được lan rộng của toàn đế chế Islam thời kỳ đó. The ‘City of Peace cũng chính là thủ phủ Imperial Baghdad, nằm trên con đường tơ lụa huyết mạch nối từ Trung Quốc đến Ấn Độ, Ba Tư, và cả Nga. Vì thế mà cuốn du ký của Ibn Fadlan không khác gì một blog du lịch của một phượt thủ thời hiện đại, với những chi tiết chỉ thêm phần thú vị chứ không hề kém cạnh, bởi Ibn Fadlan chủ yếu đi qua mọi đất nước bằng đường bộ.

Sách mang vô số thông tin và kiến thức mới, nhưng đáng ngạc nhiên là nhờ hành trình của “phượt thủ đời đầu” Ibn Fadlan, sách vô cùng hài hước và dễ đọc. Có một điều đáng tiếc là khi viết cuốn sách này, Fidler không thể thực hiện song song chuyến hành trình thực địa như với những cuốn trước.

Mình đánh giá cuốn sách ở mức độ 8/10.

2/ Man-Made: How the Bias of the Past Is Being Built into the Future by Tracey Spicer – Những thứ vĩ đại đều từng nhỏ bé.

Mình đọc cuốn sách này trong bối cảnh Elon Musk đang lên tiếng cảnh báo về những tiềm tàng của AI lên cuộc sống con người. Và từ phần tóm gọn, đây có vẻ là một cuốn sách mang đến góc nhìn trái ngược, bởi tác giả dường như đặt vai “ác” ở phía con người hơn là AI.

Cuốn sách khiến mình rất ngạc nhiên, bởi lối tư duy vô cùng mới lạ của Tracey Spicer. Tựu chung, cuốn sách này không đưa ra một câu trả lời nào, cũng không chọn phe trong cuộc chiến giữa con người và AI. Tracey Spider chỉ đơn giản là đặt một nghiên cứu vô cùng tỉ mỉ và xúc tích về cách chúng ta tạo ra AI. Như tên gọi của sách, AI là một sản phẩm man-made, và là một sản phẩm được xây dựng bởi một hệ thống có phần thiên lệch về sắc tộc, giới tính và cả khoảng cách giàu nghèo. Đọc xong sách, mình bỗng có suy nghĩ, sự nguy hiểm của AI, nếu có tồn tại, có lẽ xuất phát từ chính sự coi thường của con người với chính con người, từ chủ nghĩa thượng đẳng (Supremacism) vẫn còn tồn tại trong nhiều cá nhân. Tuy vậy vẫn có điểm hơi khiến mình hụt hẫng bởi sách cover chủ đề social movement và phần “prequel” nhiều hơn là về điểm nóng mũi nhọn của chủ đề AI tác động lên đời sống hiện tại.

Mình đánh giá cuốn sách ở mức độ 7/10.

3/ On Our Best Behavior: the Price Women Pay to Be Good by Elise Loehnen

Mình đọc cuốn sách này bởi vì mình luôn cảm thấy sự tồn tại của một tí cảm giác phản nghịch mỗi khi ai đó bảo mình “phụ nữ là phải thế”, dù mình đang được khen hay bị chê. Và cũng như chính tiêu đề sách, mình cũng cảm thấy phụ nữ thường luôn phải trả một cái giá nhất định để “be good”, trong khi ở phía đàn ông, sự khác biệt thường dễ được thông cảm, hay thậm chi đôi lúc còn được thưởng thức. Có lẽ Elise Loehnen cũng thế, nên cô đã mất công truy ngược vết đến tận thế kỷ thứ tư nhằm tìm được nguồn gốc của bảy tội lỗi bị răn đe (lười biếng, ghen tị, kiêu hãnh, háu ăn, tham lam, ham muốn và tức giận). Thú vị là phiên bản cũ hơn của 7 tội lỗi thật ra có đến 8, và “nỗi buồn” là tội lỗi đã được bỏ qua.

Quay trở lại hành trình của Loehnen, tác giả bắt đầu câu chuyện với Mary Magdalene được gán cho những tội lỗi kể trên, và bị Giáo Hoàng Gregory gọi là “whore – đĩ điếm”, một miêu tả khá nặng dù ở thời đại nào. Và qua 8 tội lỗi được gọi ra, Loehnen giải thích cách hệ thống này khiến người phụ nữ phải tự “uốn mình” nhằm trở nên tốt đẹp hơn. Những điểm nhấn bất cập của hệ thống này mà mình đúc kết được từ sách là:

  • Phụ nữ được “mặc định” để trở nên “tốt hơn”, trong khi đàn ông “mặc định” trở nên mạnh mẽ hơn (và có quyền hơn). 7 tội lỗi hay 7 điều răn dĩ nhiên áp dụng cho cả hai giới, nhưng cần hiểu rằng với vai trò của người phụ nữ và đàn ông trong xã hội và cả bảng dạng giới, 7 điều răn luôn sẽ mang lại cho người phụ nữ nhiều hạn chế hơn.
  • Phụ nữ thường phải điều kiện hoá ham muốn của họ, nhằm bớt cảm giác tội lỗi. Và trong nhiều trường hợp, luôn phải ưu tiên điều những người khác muốn như một phần của việc “tốt đẹp hơn”.
  • Phụ nữ luôn bị đè trong nỗi hoảng sợ vì chưa làm đủ, hoặc khi bị trễ nại lịch trình. Cùng với vai trò mới trong xã hội được mở rộng, những vai trò cũ của phụ nữ không hề mất đi. Ví dụ việc chăm sóc con cái luôn là trách nhiệm của phụ nữ, dù họ có đi làm hay không, và nếu không thể chu toàn cả hai, nghĩa là họ đang chìm trong cảm giác sợ hãi rằng có thể ta đang lười biếng. Tiêu chuẩn kép tự đặt này không áp dụng cho nam giới.

Mình khá thích quyển sách này, với vai trò phụ nữ, nên sẽ ưu ái đánh giá nó ở điểm 9/10. Điểm trừ duy nhất là Loehnen hình như đã bỏ qua sự tiến bộ của cánh đàn ông, bởi không ít quý ông đã trở thành thân sĩ trong hành trình đấu tranh cho nữ quyền, và họ xứng đáng được ghi nhận.

Mục nhập này đã được đăng trong Review. Đánh dấu trang permalink.