Trong phiên điều trần ngày 23/3, CEO Tik Tok Shou Zi Chew đã thành công trong việc đưa tên tuổi cá nhân lên diễn đàn quốc tế vì khả năng biện luận siêu phàm, nhưng không cứu nổi những hoài nghi về sự an toàn khi sử dụng nền tảng này với người dùng Internet. Thực chất nỗi sợ hãi về việc dùng các trang mạng xã hội không bắt đầu từ Tik Tok, và có lẽ cũng sẽ không kết thúc ở ứng dụng này. Có hay chăng, Tik Tok gây ra những “cơn nghiện” rõ rệt hơn và có thể quan sát rõ ràng hơn ở mọi lứa tuổi – điều khiến các bậc phụ huynh và người giám hộ chợt hốt hoảng.
Mạng xã hội – trò mèo vờn chuột ảo?
Nhìn lại thử trong mười lăm năm trở lại đây, có bao nhiêu người thoát khỏi cái bẫy của những trang mạng xã hội. Một ngày của bạn không chỉ xoay quanh cuộc sống và gia đình, mà còn được đánh dấu bằng những cột mốc trên mạng xã hội. Mỗi ngày, bạn sẽ đăng một bài viết hay một hình ảnh gì đó lên mạng xã hội, rồi giống như chơi mèo vờn chuột ảo, bạn chờ đợi nhận được ‘like’, xem xét xem bạn bè đang làm gì. Ở giây trước, bạn biết rằng mạng xã hội đang kéo bạn ra khỏi thế giới vật lý và hoàn toàn ý thức rằng chỉ với vài lần nhấp chuột, nó có thể kéo bạn vào quỹ đạo của nó, nơi bạn sẽ dán chặt vào trong vô số phút, đôi khi là hàng giờ đồng hồ, trước khi bỏ máy xuống vì một thứ gì đó đủ quan trọng (buồn ngủ, đói, đi vệ sinh, đi làm, con khóc…)
Nhưng bạn không thể cưỡng lại nó. Những màu sắc, hình ảnh, cập nhật xã hội, dòng thông tin mới cuộn xuống vô tận – tất cả đều quá hấp dẫn, ngay cả khi nó làm trí óc bạn vẫn đục. Sau đó, nhận ra mình quá bị xao nhãng, đầu óc mụ mị, bạn (có thể) sẽ xóa ứng dụng đi. Một vài ngày sau, bạn lại tải xuống nó.
Mạng xã hội như Tik Tok có thể thoả mãn nhu cầu khoả lấp khoảng trống. Ban đầu bạn không thực sự sử dụng Tik Tok cho một mục đích quan trọng gì, bạn chỉ đơn thuần tìm thứ gì đó để “chơi”, và vì chúng ta “chán”. Cũng phải nói thêm là, mạng xã hội như Tik Tok không chỉ toàn những thứ tào lao, mà đúng hơn, nó có vô vàn điều hữu ý nho nhỏ. Nó có thể cung cấp mối quan hệ xã hội, cảm giác thân thiết, và đặc biệt, thông tin: từ cách giải quyết vấn đề về tóc khó chải đến chi tiết cuộc sống trong điều kiện khắc nghiệt. Nhưng nên nhớ, tất cả các thông tin này đều ở dạng thô, chưa hề qua bọ lọc nào, và vì thế cũng có thể chứa đầy dối trá hay sai lệch.
Mặc dù mạng xã hội có thể khiến chúng ta cảm thấy phấn chấn hơn, ít nhất là trong khoảnh khắc, và có thể là một nguồn tài nguyên hữu ích, nhưng nó cũng là một loại nghiện. Việc sử dụng mạng xã hội giải phóng dopamine trong não của chúng ta, được biết đến là “thuốc hạnh phúc”. Cảm xúc hạnh phúc hưng phấn này rất ngắn hạn: vì thế ngay cả khi bạn có nhiều người like hình ảnh và tích lũy cả trăm ngàn người theo dõi mới, bạn sẽ không bao giờ hài lòng . Giống như những con nghiện ma túy và cờ bạc, não bộ của bạn khao khát có thêm và thêm sự hạnh phúc, và vì thế, nó thôi thúc bạn tiếp tục lập lại quy trình trên.
Thời đại của sự lơ đãng và những “mẩu” vụn xã hội rời rạc
Chúng ta sống trong một thời đại của sự phân tâm, được dẫn đầu bởi cách mạng kỹ thuật số. Năm 2022, hơn một nửa dân số thế giới (khoảng 3,96 tỷ người) sử dụng mạng xã hội, con số dự đoán sẽ đạt 4,41 tỷ người vào năm 2025. Mỗi người trung bình dành gần hai giờ rưỡi mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội và số lượng người đăng nhập vào mạng xã hội hàng tháng lên tới con số hàng tỷ.
Sức chú ý của con người đang bị bị giảm sút nghiêm trọng: một báo cáo rộng rãi được trích dẫn của Microsoft cho thấy khả năng chú ý nói chung đã giảm từ 12 giây vào năm 2000 xuống còn 8 giây hiện nay – ít hơn cả cá vàng. Như báo cáo nêu rõ những người dùng các thiết bị điện tử nhiều khó có thể lọc bỏ các kích thích không quan trọng – họ dễ bị phân tâm bởi nhiều dòng phương tiện.
Giữa sự hứa hẹn rực rỡ của các công nghệ mới của chúng ta… chúng ta đang nuôi dưỡng một nền văn hóa phân tán xã hội, phân mảnh trí tuệ và tách rời cảm giác, Maggie Jackson viết trong cuốn sách Distracted: The Erosion of Attention and the Coming Dark Age. Cách chúng ta sống đang xói mòn khả năng của chúng ta về sự tập trung kéo dài và khả năng phân tích sâu.
Nhưng có phải chỉ vì con người yếu đuối? Không. Các trang mạng xã hội được thiết kế để thao túng con người: chúng giữ chân người dùng vừa là kẻ sùng bái, vừa trở thành công cụ làm mới nguồn cập nhật, ta mê mẩn những thông tin bạn bè chia sẻ, và mê mẩn cách họ sùng bái thứ ta vừa cập nhật. Rồi ta lại tiếp tục vòng lập sùng bái và chia sẻ.
Josh Golin, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Fairplay cho biết: các công ty công nghệ lớn như Meta, sở hữu Facebook và Instagram, “tối đa hoá sự tham gia bằng cách sử dụng các mánh khóe tâm lý và chiêu trò để giữ cho người dùng trực tuyến trong thời gian dài nhất có thể.” Mục tiêu cuối cùng? “Theo dõi nhiều dữ liệu nhất có thể để quảng cáo đến người dùng.”
Hồi chuông báo động cho các bậc phụ huynh
Còn nhà tâm lý học Susan Linn, tác giả của Who’s Raising the Kids? Big Tech, Big Business and the Lives of Children, nói một cách thẳng thắn hơn. “Các công ty công nghệ đang tham gia một cuộc chiến để thu hút sự chú ý của chúng ta và sự chú ý của trẻ em của chúng ta”_ cô khẳng định. Điều này đặc biệt gây vấn đề cho trẻ em, bởi vì não của trẻ em đang phát triển và lớn lên, và những điều mà trẻ làm hoặc không làm sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc của não.
Hành động gì càng lập lại nhiều thì mạng liên kết giữa các khớp thần kinh càng mạnh: tần suất càng nhiều thì càng bị thôi thúc phải làm nó. Trẻ em khoảng 10 tuổi, các thụ thể oxytocin và dopamine tăng gấp đôi trong não. Nhưng trong khi tuổi vị thành niên có thể khao khát nhiều sự khẳng định bên ngoài hơn, mà mạng xã hội hiện tại cung cấp 24/7, trẻ em lại chưa hoàn toàn trưởng thành với vỏ não trước trán, giúp điều tiết phản ứng đối với những sự khẳng định đó.
Nói cho dễ hiểu thì với một người chưa tới tuổi 25, não bộ liên tục hình thành thêm các thói quen cố hữu, và việc thường xuyên tìm thấy niềm vui trong các trang mạng xã hội sẽ vô tình khắc hành động này vào tìm thức của những bộ não thanh thiếu niên, khiến họ giống như một chiếc xe không có thắng, phải liên tục dấn sâu thêm váo guồng quay này.
Điều đáng ngạc nhiên là thay vì giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội như trước đây, các nhà phát triển bắt đầu tạo ra các phiên bản dành cho trẻ em. Ngay chính CEO Tik Tok Shou Zi Chew cũng thừa nhận dù các con của anh không dùng Tik Tok vì ở Singapore không có ứng dụng dành cho trẻ dứoi 13, nhưng nếu có thì Shou cũng “vui vẻ chấp nhận”. Vì, dường như chưa có ai thực sự đánh giá đúng tác hại của mạng xã hội với trẻ em.
“Điều này (việc sử dụng mạng xã hội) sẽ tạo ra một loại bản năng, một xúc giác, một khát khao cho niềm vui. Và thường thì chúng ta có thể dừng lại với hệ thống kiềm chế hành vi của não, vỏ não trước trán. Nhưng vỏ não đó không phát triển hoàn toàn cho đến khi độ tuổi 25” _Mitchell J. Prinstein, giám đốc khoa học của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) và tác giả của cuốn sách Popular: The Power of Likability in a Status-Obsessed World giải thích. Đó cũng là thời gian mà trẻ em tích lũy các kỹ năng quan trọng cho sự thành công trong tương lai, dựa trên khả năng tiếp thu thông tin phức tạp, tập trung và, đúng vậy, tránh xa những phân tán.
Và cũng phải nói thêm rằng hiện trạng này phát triển khá nhanh. Mạng xã hội là thứ gì đó khá mới mẻ. Với lứa những người sinh trước năm 2000, chúng ta trải qua thời niên thiếu mà không có email, điện thoại thông minh và mạng xã hội. Thay vào đó, chúng ta có thời gian để đọc – truyện tranh hay tiểu thuyết, đi bộ hay chơi thể thao, làm thơ (dù dở tệ) hay viết thư tình. Thay vì lấy điện thoại mỗi khi tôi muốn tìm một điều phân tâm, tôi lấy sách.
Việc này khó khăn hơn bao giờ hết trong thời đại hiện nay. Ngay cả khi viết bài viết này, mặc dù đã cố gắng hết sức để kiềm chế, tôi vẫn bị cuốn hút bởi các ứng dụng của mình nhiều lần, chờ đợi chúng rung lên với thông báo mới nhất từ bạn bè, chồng, cha mẹ, hoặc trường học – và vồ ngay lấy điện thoại mở chúng một cách không kiên nhẫn.
Sự mong đợi này rất mạnh mẽ và sự thu hút của chúng ta sâu sắc đến nỗi đã có một cái tên để miêu tả việc cảm thấy điện thoại rung khi thực tế nó không rung: hội chứng rung giả. Hội chứng này ảnh hưởng đến 89% sinh viên đại học, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Computers in Human Behavior. Tại sao điều này quan trọng? Bởi vì con người không thể phân biệt được những sự phân tâm không quan trọng (một thông báo mạng xã hội) và những sự cố quan trọng (chuông báo cháy) – chúng ta đều tập trung vào cả hai.
Lắng nghe thông báo đó sẽ sử dụng đi nguồn cung cấp năng lượng quý giá trong não của chúng ta – một nguồn cung cấp có hạn. Và vì não của chúng ta chỉ có thể hấp thụ một lượng thông tin nhất định vào bất kỳ thời điểm nào, khi nó bị tràn ngập bởi mạng xã hội, chúng ta không thể áp dụng nó vào những hoạt động có ý nghĩa và sáng tạo hơn.
Nên hay không nên cấm các mạng xã hội như Tik Tok?
Sự thật vẫn là mạng xã hội đã trở thành một nền kinh tế trị giá hàng tỷ đô la, tạo ra vô số nghề nghiệp. Từ những phương tiện truyền thông được đặt cách cho Gen Z này, chúng ta có thêm những nghề nghiệp mới: Tiktoker, Youtuber, Sáng tạo nội dung, KOL, hay Hot Instagramer. Và tất cả đều là những nghề hái ra tiền, rất nhiều tiền.
Trong một bài phỏng vấn trên tạp chí New York, nữ diễn viên Tavi Gevinson chia sẻ thẳng thắn: “Nếu không có Instagram, có thể tôi đã không nhận được công việc diễn xuất đã đưa tôi đến New York, cũng như các mối quan hệ, trải nghiệm và danh tính theo sau. Tôi chắc chắn sẽ có ít thu nhập hơn và ít người chia sẻ hơn.”
Prinstein, giám đốc khoa học của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) khi hướng góc nhìn lạc quan hơn chia sẻ: “Nếu bạn cảm thấy sợ hãi, thì đã đến lúc tạm dừng và suy ngẫm: chỉ vì mạng xã hội được phát minh ra, không có nghĩa là chúng ta nên mù quáng chạy theo guồng quay của nó mà không hỏi xem chúng ta muốn sử dụng nó như thế nào.
Hãy quay trở lại với mục đích sử dụng ban đầu: nền tảng nào giúp chúng ta điều hướng cuộc sống của mình một cách hiệu quả? Chúng ta nên mở chúng bao lâu một lần? Chúng ta có nên nghỉ thường xuyên và lên kế hoạch cho thời gian “nghỉ” không? Cuối cùng, điều gì khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc? Rốt cuộc, đôi khi chúng ta muốn bị phân tâm. Một người mẹ có con mới sinh lướt qua Instagram trong những đêm dài cô đơn khi cô ấy thức cho bé bú đêm. Những cặp đôi hay gia đình xa cách bù đắp khoảng cách địa lý và múi giờ bằng những chia sẻ trên mạng xã hội. Mạng xã hội còn là cách nhích gần hơn với thần tượng, người nổi tiếng của đa số khán giả đại chúng, nhưng vẫn giữ được sự riêng tư cần có cho cuộc sống thực của mỗi cá nhân.
“Giống như con mắt luôn thay đổi hướng nhìn, lúc quay sang phải hoặc trái, khi không ngừng nhìn lên nhìn xuống, không thể thấy rõ ràng những gì trước mắt, … tâm con người cũng vậy khi bị vô số mối quan tâm thế gian làm xao lãng. không thể tập trung rõ ràng vào sự thật.”
Giám mục Basil Caesarea