Gần đây các văn đàn dành cho tác giả và người đọc quốc tế đang lan truyền về cụm từ “Literary privilege disclaimer” – dịch thô là “quyền miễn trừ trách nhiệm cho văn học”. Cụm từ này lần đầu tiên được biết đến trên tạp chí Vogue do nhà văn kiêm nhà báo Emma Spectre trình bày. Trong bài viết ngắn gọn của mình, Emma trình bày quan điểm về việc các nhà văn hoàn toàn ý thức được quyền lực mềm mà các tác phẩm xuất bản ra có thể ảnh hưởng lên xã hội và tại sao Quyền miễn trừ trách nhiệm cho văn học nên là tấm khiên để bảo vệ cho tác giả tránh khỏi việc bị cuốn vào những đánh giá theo quy chuẩn đạo đức mà người đọc đưa ra cho tác phẩm văn học (thông thường là tác phẩm giả tưởng – tiểu thuyết).
Tác phẩm văn học thường được viết dựa trên những nghiên cứu và sáng tạo ở ngoài kinh nghiệm cá nhân, vì thế với một tác phẩm được tôn vinh và ghi nhận, thì cũng cần có Quyền miễn trừ trách nhiệm văn học để giúp nhà văn không bị chỉ trích nếu danh tính của họ mâu thuẫn với kinh nghiệm được ghi lại trong tác phẩm.
Quyền này không thay đổi nội dung tác phẩm nhưng nó định hình cách người đọc có thể tiếp nhận tác phẩm. Thay vì tập trung phán xét và soi mói những chi tiết tác phẩm với nhân cách thực tế, người đọc nên học cách nhìn tác phẩm với giọng “kể” mà tác giả đặt trong câu chuyện.
Ta lấy ví dụ, tác phẩm A Little Life của Hanya Yanagihara hay Troubled Blood của Robert Galbraith (bút danh khác của J.K.R) đều là những tác phẩm sử dụng yếu tố nhạy cảm như đồng tính, chuyển giới, lạm dụng tình dục. Emma cho rằng nếu từ sớm có những tuyên bố như Literary privilege disclaimer, thì dư luận sẽ không đưa ra những thiên kiến hay đánh giá quá tiêu cực về tác giả (chứ không chỉ là tác phẩm).
Cần chấp nhận thực tế rằng chúng ta đang sống trong thời đại đón nhận nghệ thuật. Hầu hết các tác giả nổi tiếng chưa… chết; trên thực tế, tiểu sử của họ còn thường được khai thác để trở thành điểm nhấn cho việc sáng tác sau này. Vì thế đặc quyền miễn trừ văn học này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi pháp lý của các bên liên quan, mà còn để bảo vệ danh tính và tác quyền cho tác giả (họ không thể chỉ sống với một tác phẩm cả đời). Nhưng cũng có ý kiến trái chiều cho rằng quyền miễn trừ này có thể cho tác giả quyền bao biện, dối trá và thờ ơ với trách nhiệm cho ra đời những tác phẩm có tính chính xác và chỉnh chu. Có nghĩa là độc giả và nhà phê bình phải tha thứ cho một nhà văn đã không tạo ra được một câu chuyện chân thực và cảm động mà thay vào đó lại nghiêng về sự nông cạn và giản lược?
Cuộc tranh luận chưa tới hồi ngã ngũ, nhưng như người đại diện xuất bản nổi tiếng Angeline Rodriguez cho biết trong bài phỏng vấn với Emma Specter, ít ra quyền này cũng giúp mang lại sự bình tĩnh cho một ngành công nghiệp đang có xu hướng thừa lo âu, chỉ trích, và thay đổi cách công chúng tham gia vào quá trình sản xuất văn học.