Nằm giữa một toà nhà văn phòng chung ở trung tâm Thượng Hải phồn hoa là một ốc đảo yên tĩnh đến khó tin sẽ khiến các bookworms phát hờn. Được thiết kế bởi hãng kiến trúc Atelier tao+c, phòng đọc sách này là không gian công cộng của các văn phòng trong cùng một toà nhà. Bài toán được đặt ra là tạo nên một không gian chuyển tiếp hài hoà giữa không gian chung và không gian riêng.
Hai kiến trúc sư đồng sáng lập của Atelier tao+c là Chunyan Cai và Tao Liu nhận được một đề án cá nhân vào sáu năm trước, với yêu cầu của khách hàng là tạo không gian đủ cho bộ sưu tập sách khá lớn của anh. Từ sự thành công của công trình cá nhân đó, Atelier tao+c tiếp tục được yêu cầu đảm nhiệm công trình thứ hai tại toà nhà văn phòng của chính khách hàng đó.
Toà nhà đã cũ và bao gồm hai căn phòng và một nhà kính. Ba khu vực chính kết nối với nhau tại một vài điểm nối, còn các bức tường được xây cố định. Căn nhà có nhược điểm lớn là lối kiến trúc cũ của Thượng Hải thập niên 80 với trần nhà thấp. Thêm vào đó phần không gian chung có thể sử dụng cho phòng sách cũng không nhiều. Điều này khiến Cai và Liu khá thất vọng. Nhưng rồi trong một buổi trò chuyện với bạn bè, ý tưởng về một không gian với “sự thoải mái và ấm áp như những căn cabin gỗ trong rừng” được đề xuất, và thật hoàn hảo khi ý tưởng này có thể kết hợp với điểm độc đáo của ngôi nhà là phần nhà kính trồng cây. Thế là phòng đọc được xây dựng ngay bên dưới nhà kính, với giếng trời nhìn ra phần cây xanh mát bên trên và ánh mặt trời ấm áp xuyên qua nhà kính.
Vì mang tính chất là không gian chung cần có sự hài hoà và thoáng đãng, nhưng lại không thể thay đổi kết cấu toà nhà, các kiến trúc sư đã thay đổi lại luồng lưu thông của không gian. Một bộ giá sách hình bán nguyệt với các nét bo tròn được đặt ngay phần nối giữa hai căn phòng, tạo ra hai góc độc yên tĩnh, đồng thời mở ra một lối đi mới. Các bức tường cố định có sẵn được ốp đá giả màu trắng, tạo cảm giác một tác phẩm điêu khắc. Trong nhà kính cũ, các dầm và cột gỗ được chèn thêm để tạo kệ sách, đồng thời khoét lỗ trên các vách gỗ để tranh thủ nguồn sáng tự nhiên.
Bốn khu vực chỗ ngồi khác nhau được thiết kế để phục vụ cho các hoạt động khác nhau – bàn nghiên cứu nhỏ để ngồi và làm việc tại một chiếc ghế sofa để thư giãn và trò chuyện, bàn họp chung và một gian hàng đọc sách yên tĩnh. Vì tạo ra một không gian chung với mục đích sử dụng chính làm phòng đọc, thiết kế cũng giản lược toàn bộ các phần trang trí có thể gây mất tập trung, ánh sáng cũng đươc điều chỉnh tạo ra sự dễ chịu cho mắt.
—
Bài viết là một phần của tạp chí Design Anthology số 35, chủ đề Tổng Quan Kiến Trúc Quốc Tế được chia sẻ như một phần đọc miễn phí trên website của Design Anthology.