Robert Greenwood là nhà sáng lập và giám đốc của Snøhetta khu vực châu Á – công ty thiết kế công trình công hoạt động đa quốc gia và có tầm ảnh hưởng lớn trong thị trường thiết kế và kiến trúc thế giới. Bài phỏng vấn dưới đây sẽ cho biết vài định hướng và suy nghĩ của công ty cho năm 2022, đặc biệt là khu vực đang phát triển của châu Á.
Đâu là điều ưu tiên cho việc thiết kế không gian công cộng năm 2022?
Tôi nghĩ, điều ưu tiên hàng đầu là khả năng tiếp cận của một công trình – không chỉ về mặt vật lý, mà còn là cảm xúc mà nơi đó mang lại cho người dân: một nơi khiến ai cũng cảm thấy thuộc về họ và không bị gò bó. Một không gian công cộng cần thông suốt và có sức chứa lớn, để người ta có thể tự do đi tham quan kiến trúc mà không cần có điểm dừng cụ thể. Đó là điều độc đáo nhất ở những không gian công cộng mà chúng tôi thiết kế – một không gian mở kết nối hài hoà cùng cảnh quan đô thị.
Lấy ví dụ như thư viện công mà chúng tôi đang xây dựng tại Bắc Kinh là một loại không gian “mở” trong nhà – thay cho không gian mở ngoài trời thường thấy. Thay vì mang người ta tới những phòng đọc nhỏ và chật chội, chúng tôi mang họ đến một nơi lớn và thoải mái. Vì thế chúng tôi thiết kế riêng một con đường chạy qua khu vực chính rồi dẫn thẳng tới thư viện. Nó tạo nên một sự liền mạch với không gian bên ngoài, và vì thế người ta cứ tự nhiên bước tới thư viện mà chẳng hề có ý định kiếm một cuốn sách, nhưng rồi họ đi dạo qua và rồi họ có thể chọn lấy món gì đó trên đường đi.
Snøhetta thiết kế công trình công ở mọi nơi trên thế giới. Làm sao để đảm bảo mỗi công trình đều phù hợp với văn hoá quốc gia sở tại?
Dĩ nhiên có nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới, nhưng chúng ta đều cùng là nhân loại. Khi chúng tôi tạo ra những công trình công, chưa chắc chúng sẽ được sử dụng cho mục đích ban đầu. Trong nhiều trường hợp, chúng sẽ được tái sử dụng cho những mục đích khác, và đó chính là điểm thú vị của thiết kế công trình công. Bản chất của một công trình công là không thể kiểm soát, vì thế sẽ đưa tới ít nhiều khó khăn. Nhưng tôi không nghĩ thư viện công của Bắc Kinh cần phải có gì khác biệt so với những thư viện cộng đồng của Mỹ hay Châu Âu, mà thậm chí nghĩ theo hướng đó sẽ là sai lầm. Một dự án công cộng có thể được bóc ra và đứa tới sử dụng ở bất kỳ địa phương nào hay mục đích nào. Cũng giống như việc nơi đâu chẳng có núi có sông, và dù núi sông ở châu Á, châu Âu hay châu Mỹ thì cũng vẫn là núi sông, là những khoảng không gian có trong nhận thức chung của con người. Đó chính là điểm thú vị.
Vậy đâu là điểm bắt đầu của một công trình?
Mỗi công trình đều có sự độc đáo riêng, vì thế không có “điểm” bắt đầu nào cho việc thiết kế các công trình công. Chúng ta chỉ có thể học hỏi từ những công trình khác. Ví dụ như khi thiết kế Nhà Hát Lớn Thượng Hải, chúng ta đã học hỏi ý tưởng từ Nhà Hát Lớn Oslo (Na Uy) về việc đưa quảng trường lên nóc toà nhà. Rồi sau đó chúng tôi tìm kiếm những ý tưởng mở rộng và thiết kế nên toà nhà có hình dạng quạt giấy này. Nên nhớ, điểm bắt đầu của kiến trúc này không bắt nguồn từ “nhà hát opera”, mà bắt nguồn từ “công trình công”. Cần có một khái niệm ban đầu, rồi sau đó chúng tôi mới thiết kế và phát triển ý tưởng khác dựa trên cốt lỗi đó để cho ra sản phẩm cuối cùng là tổng hợp những gì muốn thể hiện. Bên cạnh khái niệm công trình công, ý tưởng của Nhà Hát Lớn Thượng Hải là “cánh quạt”, vì thế kết cấu chung của nó sẽ nương theo lõi quạt, với các nhà hát nhỏ ẩn bên dưới phần “cánh quạt lớn”, những vẫn phải có những khoảng không gian chung.
Phương châm và triết lý làm việc của Snøhetta đã phát triển thế nào từ khi thành lập năm 1989?
Phương châm làm việc của Snøhetta vẫn chẳng có gì thay đổi từ khi thành lập đến giờ. Nếu bạn nhìn lại công trình công đầu tiên mà chúng tôi hoàn thiện – toà nhà Bibliotheca Alexandrina (thư viện công ở Ai Cập), bạn sẽ nhận ra phong cách của chúng tôi vẫn giữ nguyên cho đến giờ – đó là việc xây dựng những không gian công cộng kết nối hài hoà với môi trường đô thị của thành phố địa phương. Chúng chỉ khác nhau về mặt ý tưởng.
Bởi vì phương châm hay triết lý không phải là điểm cốt lõi của Snøhetta. Giá trị cốt lõi của chúng tôi chính là môi trường làm việc năng động và sáng tạo, với bầu không khí mà tất cả nhân viên cùng tạo ra ở Snøhetta. Chúng tôi làm việc dựa trên dự án, và mỗi team sẽ phụ trách toàn quyền một dự án từ đầu đến cuối, cũng như có thẩm quyền cao nhất với dự án mình phụ trách. Bí quyết chính là ‘đối thoại”. Chỉ cần bạn trao đổi tốt thì chắc chắn có thể tạo ra những công trình tốt. Và vì thế dù các công trình của chúng tôi đều sẽ khác biệt do được tạo ra từ những nhóm riêng, nhưng giá trị chung mà nó hướng tới luôn được đảm bảo.
“Ngôn ngữ” thiết kế của Snøhetta là gì?
Tôi không cảm thấy Snøhetta bó buộc trong một style thiết kế nào. Mà như tôi đã nói, chúng tôi là một tập hợp những giá trị khác nhau, quan điểm thẩm mỹ khác nhau xoay quanh giá trị cốt lõi của tập thể. Đó là việc tạo ra những không gian chung rộng mở, không có rào cản, mang lại sự thoải mái cho tất cả mợi người. Và điều đó đạt được là nhờ những cuộc đối thoại nghiêm túc và sự tin tưởng của mọi người dành cho nhau, tạo thành văn hoá nội bộ của Snøhetta. Chính văn hoá đó là thứ tạo nên những công trình tuyệt vời của Snøhetta.