Ngôi đền ba thế kỷ
Đền Kiyomizu -dera trước đây thường được biết đến với cái tên Otowa-san Kiyomizu-dera, là một ngôi đền Phật Giáo được UNESCO công nhận di sản văn hoá. Ngôi đền thuộc khu vực Higashiyama, một trong 11 khu vực thuộc cố đô Kyoto của Nhật Bản.
Được xây dựng lại từ năm 1633, đến nay qua hơn 350 năm lịch sử, ngôi đền vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc. Trước đó, người ra lệnh xây dựng đền là shogun Sakanoue no Tamuramaro. Cái tên Kiyomizu được bắt nguồn từ con suối bên trong cụm kiến trúc, có nghĩa là “nguồn nước tinh khiết” trong tiếng Nhật.
Toàn bộ ngôi đền được xây dựng thủ công, và hoàn toàn không sử dụng đinh để cố định. Các chi tiết được ghép nối với nhau một cách hoàn hảo theo phương pháp truyền thống của kiến trúc Nhật.
Đội cứu hoả dân phòng đền Kiyomizu
Ngôi đền có lịch sử 1200 năm này nổi tiếng với cổng chào và kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ. Người dân địa phương tự hào gọi Kiyomizu là “báu vật quốc gia”. Tuy nhiên, địa điểm bên sườn núi Ozawa khiến ngôi đền có địa thế khá vắng vẻ và hiểm trở.
Một trong những nguyên nhân chính khiến ngôi đền được xây dựng lại vào năm 1633 là vì 4 năm trước đó, một vụ hoả hoạn lớn đã phá huỷ kiến trúc của đền. Dù từ đó cho đến nay, ngôi đền chưa có thêm vụ hoả hoạn nào, nhưng người dân Kyoto vẫn không bớt cảnh giác. Một đội cứu hoá dân phòng đã được xây dựng từ năm 1949, với khoảng 50 thành viên chủ chốt, được truyền từ đời cha sang con.
Họ đa số sống gần đó. Có người mở tiệm buôn bán gần đền, có người làm việc trong cửa hàng lưu niệm trong đền. Điểm chung là kinh tế và cuộc sống của họ đều gắn liền với ngôi đền Kiyomizu. Ngôi đền vừa là biểu tượng văn hoá tâm linh, vừa là nơi thu hút khách du lịch và giúp cho nền kinh tế khu vực khởi sắc.
Đội dân phòng cam kết họ có thể đến nơi nhanh hơn cả lực lượng cứu hoả địa phương. Đồng phục là những bộ Happi truyền thống cùng với nón cối, những thành viên của đội được tập huấn chữa cháy mỗi 3 tháng. Nhiều người trong số họ tham gia đội kế nhiệm vị trí cho cha hoặc ông của mình.
Những “sứ giả hộ đền” này âm thầm và tận tuỵ đại diện cho toàn thể người dân thành phố Kyoto. Thành viên lớn tuổi nhất của đội, cũng là đội trưởng, đã bước vào tuổi 74. “Ngôi đền chẳng thể tồn tại lâu đến thế nếu người dân không cảm thấy nó đáng để bảo vệ”_ trụ trì đời thứ ba của ngôi đền Kokyu Onishi cho hay.