“Same same but different” – bí ẩn của những kí ức mâu thuẫn

[Trích từ tạp chí Kinfolk 33]

Bạn có thể rất quen thuộc với câu nói này. Thậm chí dù bạn không sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày, bạn cũng dễ dàng hiểu được nghĩa đen của câu nói “same same but different”. Nghĩa đen, tiếng Việt chúng ta gọi nôm na là “trông hao hao”. Còn nếu nói về nghĩa bóng, thì có lẽ phải mô tả bằng cụm từ “trông gà hoá cuốc”.

Hiệu ứng Rashomon:

Bạn đã từng nghe đến “The Rashomon effect” chưa? Rashomon là một bộ phim đen trắng được làm vào năm 1950, bởi đạo diễn người Nhật Akira Kurosawa. Bộ phim đoạt giải phim tiếng nước ngoài hay nhất tại liên hoan phim Venice. Câu chuyện kể về một vụ thảm kịch trong rừng. Một tên cướp, một phu nhân, một samurai (đã chết), và một người tiều phu.

Người phu nhân quý tộc kể lại rằng, tên cướp đã hãm hiếp cô, sau đó khi cô cởi trói cho chồng bằng thanh gươm ngắn, chồng cô nhìn cô với vẻ khinh bỉ. Do quá đau khổ, người thiếu phụ ngất đi, khi tỉnh dậy thấy chồng mình đã chết. Trong khi đó, tên cướp nói rằng hắn hãm hiếp người phu nhân xinh đẹp, rồi thách đấu tay đôi với samurai, và giành phần thắng. Người samurai đã chết, hồn kể lại câu chuyện rằng vợ ông bị tên cướp hãm hiếp, nhưng lại tỏ vẻ ưng thuận, và rồi hai kẻ đó định bỏ trốn, còn ông tự sát bảo toàn danh dự. Còn lại một người tiều phu tìm được xác của vị samurai, và trình báo cho chính quyền, sau đó ông kể lại với nhà sư rằng, thật ra người phu nhân bị hãm hiếp, nhưng rồi cố gắng giải thoát cho người chồng mình. Người chồng khinh bạc cô, nên không còn muốn giữ cô nữa, trong khi tên cướp thì sợ phiền toái nên cũng chẳng giữ cô lại. Cô cay đắng cười nhạt rồi kích bác họ đấu nhau. Hai người đàn ông chiến đấu trong sự hèn nhát, cuộc chiến kéo dài nhạt nhéo. và rồi người samurai thua, van xin được tha, nhưng tên cướp đã giết anh ta.

Một câu chuyện với bốn góc nhìn. Khoan hãy nói đến việc ai đúng và sai, rõ ràng chúng ta có thể thấy được sự khác biệt trong kí ức của bốn con người. Đó chính là hiệu ứng Rashomon.

Những ký ức mâu thuẫn:

Còn nhớ câu chuyện Thầy Bói xem voi mà chúng ta học lúc bé không? Bốn ông thầy bói mù, mỗi ông ôm một bộ phận của con voi, mà cứ đinh ninh mình ôm được cả con voi. Chẳng ai đúng trong câu chuyện này cả, mà cũng chẳng có ai sai hoàn toàn.

Sự thật đôi khi cũng như thế đấy. Thuật ngữ Rashomon Effect được dung nạp vào giới hàn lâm vào những năm 1960 sau khi các nhà nghiên cứu thấy rằng trí nhớ bị suy yếu dưới ảnh hưởng của sự gợi ý, giả định hoặc ý thức cá nhân. Những người khác nhau trải nghiệm thế giới theo những cách khác nhau, và vì vậy chẳng ai là có thể chia sẻ những ký ức hoàn toàn khách quan.

Những ký ức mâu thuẫn là hạt giống cho tiểu thuyết, thuốc độc cho tòa án, giàn giáo cho những tin đồn. Các nhà thần kinh học nói rằng, không có ký ức nào là thống nhất cả. Kể cả với một cá nhân, ký ức cũng sẽ dần lu mờ và lệch lạc theo những biến động năm tháng và sự kiện khác.

Nguyên liệu cho những sáng tạo văn học

Hiệu ứng Rashomon vì thế còn đươc khéo léo ứng dụng vào việc sáng tác văn học. Những câu chuyện bạn từng đọc thường về những nhân vật chính, thường là người dẫn truyện, có góc nhìn vô cùng hạn chế, hoặc thậm chí lệch lạc. Trong tác phẩm Atonement – Chuộc tội của nhà văn Ian McEwan, cô em Briony từng phải chứng kiến cảnh chị mình bị một người đàn ông ức hiếp, buộc lột sạch quần áo rồi nhúng vào bồn nước. Kí ức ấy ám ảnh cô xuyên suốt tác phẩm. Ở đoạn góc nhìn của cô chị được hé lộ, chúng ta mới bàng hoàng nhận ra Briony bé nhỏ đã bị nhầm lẫn, vì thật ra cô chị mới là người nắm quyền kiểm soát trong vụ việc lúc ấy. Sự khác biệt về góc nhìn của sự kiện đôi khi ảnh hưởng đến cuộc đời của cả nhân vật trong cả mạch truyện. 

Nổi tiếng nhất về việc nhân vật chính có góc nhìn lệch lạc phải kể đến tác phẩm Lolita của nhà văn Vladimir Nabokov. Tên tội phạm ấu dâm Humbert Humbert chỉ nhớ đến những cuộc hành trình đầy “tình yêu” qua nước Mỹ. Trong khi với Lolita, đó lại là ký ức của những ngày bị bắt cóc và giam hãm làm nô lệ tình dục.

Bài học cho cuộc sống

Nhưng văn học cũng có những cách để duy trì sự trung lập của nó. Một Humbert gian xảo lươn lẹo sẽ chỉ lừa được một độc giả ngây thơ và thiếu tập trung. Nabokov cho thấy viễn cảnh người kể chuyện của ông là một người vặn vẹo, đầy bạo lực và thậm chí tự lừa dối bản thân. Một Briony bé nhỏ trông có vẻ ngây thơ đáng tin hoá ra lại là nguồn cơn của sự dối trá, của những bí ẩn từ trí tưởng tượng, và để rồi chính sự hoang tưởng ấy khiến tất cả nhân vật, bao gồm cả Briony trượt dài trong đau khổ, tuyệt vọng và hoang mang.

Hay như bốn nhân vật trong Rashomon, theo bạn ai là người nói sự thật? Có thể đó là người tiều phu. Một nhân chứng bí mật, nấp phía sau gốc cây, quá sợ hãi để có thể lên tiếng trước chính quyền, chỉ dám bộc bạch cùng nhà sư. Góc nhìn của ông có sự bàng quan của một kẻ ngoài cuộc, nhưng cũng có thêm một chút sự khinh thường khi phát hiện ra một mặt đen của xã hội thượng lưu vốn được tôn thờ. Còn người phu nhân quý tộc? Cô vì phải giữ luật lệ và vị trí xã hội của phụ nữ quý tộc, nên giấu giếm việc mình đã “bùng nổ”, và khích bác hai người đàn ông đến chết. Hai kẻ đàn ông còn lại đều cố gắng giữ lại “cái tôi đàn ông”, vì thế mà đổ biến cho nhau về nguyên nhân cái chết. Tên cướp vì sợ bị trừn phạt giấu việc mình ra tay sát hại dù vị samurai đã van xin tha mạng. Vị samurai vì giữ sĩ diện nên cũng lừa dối việc bản thân mình bị giết, giấu cả việc đã van xin được bảo toàn tính mạng. Cả bốn con người, dưới áp lực của vị trí xã hội và những nguyên tắc xã hội đè lên cuộc đời họ, đã có cái nhìn hoàn toàn khác nhau.

Chúng ta luôn có được một chút “manh mối” giúp mình tìm ra được sự thật trong những tác phẩm văn học. Nhưng hãy nhớ, cuộc sống không phải như thế, vì không có ai sẽ làm một nhân vật phản diện hoàn toàn để cho bạn “nhận ra”.