Nghiên cứu khoa học về cơn giận

Đôi khi, việc giận dữ mang lại những lợi ích đáng kể cho sức khoẻ tâm lý của bạn. Chỉ cần đừng đấm vào mặt ai thôi!!

Lí do gì khiến chúng ta nổi giận

Dù cơn giận có khiến bạn cảm thấy giận âm ỉ hay bùng nổ như cơn sóng thần, thì các nhà khoa học thường chỉ xếp các cơn giận vào 3 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất là khi chúng ta thất vọng (hãy nhớ tới bọn trẻ con, khi chúng tức giận chỉ vì không xin được ăn kem chẳng hạn). Thứ hai là khi chúng ta nhận ra một mối đe doạ nào đó (còn nhớ cơn giận của bạn khi gặp các chị gái chạy xe Ninja ngoài phố không? Chính thế đấy). Và cuối cùng là khi chúng ta đang cố gắng che đậy cảm xúc gì đó (thẹn quá hoá giận chẳng hạn). Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác khiến con người nổi giận, ví dụ như khi chúng ta bị đau, hoặc khi chúng ta cảm thấy tội lỗi.

Thất vọng dễ dẫn đến cảm xúc tức giận.
Khi bị đe doạ, con người đôi khi sẽ nổi giận.
Cảm xúc xấu hổ, đau đớn hay tội lỗi thường được che đậy bằng cơn giận.

Tại sao cần quan tâm lúc nào thì chúng ta dễ nổi giận nhỉ? Vì việc xác định nguyên nhân dẫn đến giận dữ có thể giúp chúng ta chuẩn bị một ít tâm lý để không “giận quá mất khôn” những lúc quan trọng đấy.

Việc giận dữ có phải là xấu?

Các nhà nghiên cứu từ đại học Masachusetts cho biết, mỗi người trong chúng ta đều có ít nhất vài cơn giận mỗi tuần, thậm chí là mỗi ngày. Trẻ con, dù là trẻ sơ sinh cũng có những cơn tức giận. Việc giận dữ là một quá trình phát triển về tâm lý của trẻ em. Bởi vì khi tức giận, chúng hoàn thiện thêm khá năng biểu lộ cảm xúc, và học được cách “đòi hỏi” (một cái tả khô ráo, hay một bình sữa thơm ngon chẳng hạn). Vì thế, trong khi người lớn nổi giận vì mất kiểm soát một việc gì đó, thì trẻ con thường nổi giận ngay khi chúng “nản chí” hay cảm thấy bất lực. Nghĩa là, theo thời gian và những tác động, rèn giũa từ gia đình, xã hội, chúng ta sẽ “khó” nổi giận hơn.

Trẻ con khó kiểm soát cơn giận hơn người lớn.

Dĩ nhiên, càng lớn, khả năng biểu hiện cảm xúc của con người sẽ càng đa dạng hơn, nhưng tức giận chính là một trong những cảm xúc nguyên thuỷ và đầu tiên của trẻ nhỏ. Theo các nhà tâm lý học, thì cơn giận lại có một ý nghĩa tích cực là giúp chúng ta “tập trung” hơn. Vì cảm xúc khi chúng ta bị “cả thế giới quay lưng” sẽ giúp chúng ta có thêm được nhiều sưc mạnh tinh thần và sự tập trung để chứng minh “họ sai rồi”. Ngoài ra, việc bộc lộ cơn tức giận cũng sẽ khiến suy nghĩ chúng ta bớt “lắc léo” hơn, phẳng hơn, và vì thế dễ cho ra đời nhiều sáng tạo hơn.

Có lẽ các danh tác hội hoạ ra đời sau cơn giận?

Lí giải khoa học cho cơn giận

Việc biểu hiện nỗi giận ra ngoài là kết quả của amygdalae – hay còn gọi là hạch hạnh nhân, 2 mẩu bé tí nằm bên trong não bộ chúng ta, điều khiển cảm xúc. Khi đó, hach hạnh nhân sẽ kích thích não bộ tiết ra adrenaline và noradrenaline. Hai hoạt chất này cung cấp năng lượng tức thì cho cơ thể.

Hạch hạnh nhân điều khiển cảm xúc của chúng ta.
Chứ không phải là nhóm này đâu nhé!

Cụ thể là chúng ta sẽ thấy cơ bắp mình cứng lên, tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên, hệ hô hấp dồn dập, còn cơ thể thì nóng lên theo đúng nghĩa đen. Thậm chí một số người còn đỏ mặt và toát mồ hôi. Dù vậy, tác động này chỉ tồn tại được vài phút mà thôi.

Không ai nổi giận được lâu như anh màu xanh lá này đâu!

Tập luyện để kiềm chế cơn giận?

Như đã nói, chỉ có trẻ con mới có phản ứng giận dữ bất thình lình mà thôi. Còn người lớn, thì trên thực tế, vì những tác động xã hội, gia đình, chúng ta sẽ được rèn luyện để kiểm soát cơn giận tốt hơn. Cerabral cortex – Vỏ não – sẽ kịp thời can dự vào cơn giận của chúng ta. Thậm chí, nếu là người có khả năng kiểm soát tốt, chúng ta hoàn toàn có thể để dành cơn giận cho “ngày khác”.

Gene của mỗi con người cũng chịu trách nhiệm cho việc kiểm soát cơn giận. Rõ ràng là nhiều người có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn hẳn những người còn lại, và đàn ông thì thường nổi giận nhanh hơn phụ nữ. Các nhà khoa học Đức chứng minh được rằng, thời xa xưa, vì phải bảo vệ bầy đàn, nên những người tiền sử giống đực, cũng là giống có thể hình to hơn, sẽ phải bộc lộ sự hung hăng nhiều hơn.

Vì thế, tuy việc tập luyện để kiểm soát cơn giận là cần thiết để thích ứng với một xã hội văn minh, có đôi lúc, chúng ta cũng hãy để những gene nguyên thuỷ của mình được “xả” ra một ít, chứ đừng cố gắng tích tụ quá nhé.