Hãy ngừng kiểm tra di động của bạn

Irene thường mất một lúc lâu tự suy ngẫm, tại sao cứ vài giây cô lại phải kiểm tra di động, kể cả khi đang vui vẻ tám chuyện cùng bạn bè?

“Nhiễm độc” smartphone – bệnh của giới trẻ

Nếu quay trở lại chừng 10 năm trước, cuộc hội thoại của một đám bạn thân thường xoay quanh việc ”Ôi anh diễn viên A, cái anh mà lần trước bọn mình đi xem phim ảnh đóng ấy, dạo này trông đẹp trai kinh khủng nhỉ?”. Hoặc là: ”Cái cô người mẫu B mà tao thích đổi kiểu tóc rồi, trông ngầu lắm, tao thích cả cách phối đồ nữa”. Những cuộc hội thoại kéo dài như đoàn tàu Bắc Nam, và nhiệt huyết như một nồi lẩu đang sôi, đủ gia vị, đủ nóng.

Thế rồi ngày nay, câu chuyện chẳng đi dài được như thế. Đôi ba câu, và rồi ai đó trong chúng ta cần với lấy cái điện thoại, để lên mạng tìm hình minh họa, để lên facebook tìm thông tin đứa mình nói đến. Nói thật, tôi không thích chuyện đó lắm. Tạo sao à, vì với tôi, câu chuyện có vẻ nhạt bớt, ít đi gia vị của những câu miêu tả, mà có thể là đầy tính tự sự, vô cùng mang màu sắc cá nhân, nhưng cũng đủ kéo ta lại gần nhau hơn.


Vì những tấm ảnh trên Google đó, chẳng giúp trí tưởng tượng tôi phong phú hơn, dù có thể nó giúp tôi tiếp cận thông tin nhanh hơn, chính xác hơn, nhưng không may, nó làm câu chuyện ngắn đi rất nhiều. Điện thoại bao giờ cũng được móc ra để trên bàn sẵn, như một thứ công cụ tìm kiếm khoa học. Và than ôi, nó cắt phựt cái dòng chảy của câu chuyện. Tôi hiểu, ra là thế sao, à… Hết.

“Giải độc” smartphone

Theo báo cáo của tạp chí The Time, thanh thiếu niên Mỹ đang mất ít nhất 4 tiếng mỗi ngày chỉ để nhìn vào màn hình điện thoại. Dù ghét việc bạn bè xung quanh hay tiện tay vớ lấy chiếc điện thoại, tôi cũng không thể ngừng thúc giục bản thân kiểm tra điện thoại chí ít vài lần. Dù tôi cố để di động trong túi, dù tôi cố hướng câu chuyện với bạn bè theo kiểu ngày xưa cũ, tôi cũng biết bản thân mình có phụ thuộc vào chiếc điện thoại của mình. Tôi bị thôi thúc, háo hức tìm xem có ai đang nhắn tin hay tìm tôi, trang facebook có ai vào like không. Đôi lúc, giữa cơn dằn lòng, tôi phải đấu tranh tâm lý để tìm cái cớ như đi vệ sinh hay có người nhà gọi, để móc điện thoại qua nghía một lát.

Người ta post một câu trích dẫn trên facebook rằng: ”Hãy đi chơi cùng ai đủ làm bạn quên béng luôn việc check điện thoại”. Nghe thật đẹp. Tôi biết mình cũng luôn cố gắng làm như thế. Bạn bè hay đồng ngiệp mà tôi đi chơi cùng luôn là những người thú vị đến mức gần như  khiến tôi quên luôn cái điện thoại. Thế nhưng, có lẽ một phần trong tôi đã được lập trình để luôn phải nhìn vào chiếc điện thoại trong giây lát. Thật khó để tái lập trình lại thói quen này.

Vậy, làm sao để bắt đầu giải độc smartphone?

Hãy thừa nhận việc bạn đang “nghiện” điện thoại

Việc đầu tiên bạn cần làm là theo dõi xem bạn “nghiện” điện thoại đến mức nào. Trên những chiếc điện thoại hiện nay đều có chức năng kiểm tra screen-time, tức thời gian bạn nhìn vào điện thoại. Hãy thử tính xem, trong một ngày bạn chỉ có 16 tiếng thức, vậy việc dành hết 8-10 tiếng cho việc nhìn điện thoại, có ổn không? Khi đã hình dung được độ nặng của việc nghiện điện thoại, bạn sẽ dễ có ý thức tự điều chỉnh. Tuần trước, điện thoại của tôi báo rằng screentime của tôi thấp hơn 3 tiếng. Quả là một tin tốt nhỉ?

Hãy sống thực, đừng sống “ảo”

Người trẻ tuổi Việt Nam hiện giờ đang tốn khoảng từ 6-18 tiếng/ngày cho việc tương tác trên chiếc di động. Thậm chí, khoảng thời gian này còn nhiều hơn thời gian bạn gặp gỡ người thân và bạn bè. Hãy đặt cho bản thân câu hỏi: “Nếu không có điện thoại một ngày, bạn có sống được không?”

Vì thế, tôi bắt đầu đặt ra quy tắc “không social media” khi gặp mặt bạn bè. Tôi thông báo trước đến các bạn của mình rằng tôi đang cố gắng “cai” smartphone của mình, và nếu họ vui lòng, thì bữa đi ăn sẽ không có check-in hay đăng ảnh lên các trang mạng xã hội. Nếu bạn tôi thấy phiền lòng, tôi sẵn sàng tôn trọng và hẹn lại đợt khác, khi tôi “tốt nghiệp” khoá giải độc smartphone của mình.

Thật bất ngờ, hầu hết các bạn của tôi đều hứng thú với kế hoạch này. Chúng tôi tốn cả buổi nói về việc mình cảm thấy phụ thuộc điện thoại cỡ nào mà-không-đụng-tới-cái-điện-thoại. Chỉ có 2 buổi hẹn đã bị huỷ bỏ, bởi vì những người bạn đó cảm thấy họ có thể sẽ cần dùng tới điện thoại check-in để lưu trữ thông tin. Nhưng tuyệt đối không ai phàn nàn vì tôi dở hơi cả. Thật may!

Buông chiếc điện thoại ra

Tôi bắt đầu lập ra kế hoach phone-free mỗi ngày. Tôi dành ít nhất 4 tiếng trong tổng số 16 tiếng thức mà không có điện thoại, Ngày đầu tiên khá khó khăn. Thế nhưng sau 3 ngày vật lộn, tôi đã thực sự tập trung hơn khi đọc sách, và bắt đầu chủ động trò truyện cùng đồng nghiệp trong bữa trưa. May mắn bởi vì gia đình tôi có quy tắc trên bàn ăn khá cẩn thận, nên tổng cộng tôi có hơn 6 tiếng “phone-free”, nếu cộng cả thời gian tắm rửa, đánh răng, ăn tối. Một khởi đầu không tồi nhé.

Đặt chế độ ban đêm cho điện thoại

Chiếc iPhone tôi đang dùng có chức năng nigh-mode. Tức là, trong thời gian tôi cài đặt sẵn, điện thoại sẽ chuyển sang chế độ ban đêm. Tôi không nhận được tin nhắn hay cuộc gọi nào cả. Tất cả thông báo mạng xã hội, emails hay các ứng dụng chat đều chuyển sang im lặng. Tôi sẽ để trọn 8 tiếng ban đêm không trở mình vì nghe tiếng ding-dong từ điện thoại. Nếu điện thoại bạn không có sẵn chức năng này, hãy đơn giản tắt hết tiếng hoặc để chế độ máy bay khi đang ngủ.

“Giải độc” smartphone là điều chẳng dễ. Chí ít thì tôi đang cố gắng. Và tôi biết, nếu tôi kiên trì, thời gian mà tôi có cho bạn bè và người thân sẽ càng nhiều hơn. Còn bạn thì sao?