Ý nghĩa của chuối Matooke trong đời sống người dân Uganda

Quả mọng khổng lồ

Matooke, còn được biết đến với tên chuối Cao Nguyên Đông Phi, là một giống chuối xanh thường dùng trong nấu ăn. Dù phần lớn chúng ta gọi chuối là “quả” hay “trái”, nhưng thực tế chuối là một loại berry, tức là cùng họ với việt quất hay nho (trong khi đó quả dâu tây lại không phải berry mà là fruit!). Thực là loạn hết cả lên nhỉ?

Nhưng thực ra, nếu chúng ta thử so sánh cây chuối với các giống cây ăn quả khác thì trong khi tất cả cây ăn quả (fruit) đều là cây thân gỗ, cây chuối lại có một kết cấu khá đặc biệt. Thân chuối có thể dài hơn 3 mét là tập hợp của những lớp đang xếp chồng, ôm lấy nhau thành một bó. Kết cấu này thực chất tương tự như những loại thực vật thân thảo như lúa hay cỏ. Vì thế, quả thực chuối giống như một ngọn cỏ khổng lồ hơn là một cái cây nhiều. Chưa kể, chuối thường mọc thành từng bụi, cụm (bush) như các giống cây berry hơn, chứ không mọc đơn lẻ như các cây ăn quả.

Quay trở lại với giống chuối Matooke, đây là loại cây lương thực chính của người dân cao nguyên Baganda ở Nam Uganda, và là lương thực xuất khẩu chính của Uganda. Được coi như loại lương thực “chính” của người Baganda, nhưng hiện giờ chuối Matooke không còn là thức ăn có lượng tiêu thụ cao nhất, mà cách gọi này giống như một cách ngợi ca, danh xưng mỹ miều cho Matooke vậy.

Uganda là quốc gia có sản lượng chuối Matooke lớn nhất khu vực.

Vậy giống chuối này có vị như thế nào mà lại được tán dương đến thế? Thật buồn thay câu trả lời là nếu phải nhận xét một cách chân thành thì matooke hầu chẳng có vị gì cả, cảm giác khi ăn vào chính là vi nhạt nhẽo, “thiếu thiếu gì đó”, chứ không có vị bùi và ngọt như những giống chuối khác. Bên cạnh đó, hàm lượng dinh dưỡng từ Matooke cũng không quá xuất sắc. Theo người dân bản địa, loại chuối này cũng chứa tinh bột và carbohydrates, nhưng thành phần chủ yếu của nó lại là nước. Để cho dễ hình dung hơn, loại chuối Matooke có hương vị khá giống loại chuối Sáp của người Việt trước khi luộc lên.

Matooke sau khi hấp hoặc luộc chín.
Có kết cấu và hương vị khá tương tự chuối Sáp Việt Nam.

Món ăn quốc hồn

Dân bản địa Uganda có cách ví von vui vui rằng ăn chuối Matooke cũng giống như ngắm cỏ dại mọc, đều tốn thời gian và cũng đều …vô vị. Thế nhưng nếu đổi góc nhìn khác, giả dụ như bạn đang theo dõi một trận đấu giữa đội mình vô cùng yêu thích và đội đối thủ. Trận đấu đang diễn ra vô cùng căng thẳng, cả hai đội cứ ghi bàn rồi lại bị gỡ hòa, họ tranh nhau từng điểm một. Thời gian trôi qua, những phút cuối cùng quyết định trận đấu rồi cũng đã đến. Lúc này đây, chân sút giỏi nhất trong đội yêu thích của bạn đang chuẩn bị cho cú penalty quyết định thắng thua. Anh ta đang thực hiện các động tác giãn cơ, kiểm tra luồng gió, và tính toán quỹ đạo đá còn bạn thì đang dán mắt vào màn hình tivi để không bị bỏ lỡ một giây phút nào. Trong cái giây phút quan trọng ấy, khi mà bạn tưởng rằng mọi thứ đều đứng im và chờ đợi thì cỏ vẫn mọc.

Cũng giống như chuối matooke. Dù thế nào, ta vẫn không thể phủ nhận sự tồn tại mạnh mẽ của nó và việc loại cây này chiếm ưu thế tại vùng thổ nhưỡng khô hạn như Uganda. Còn về việc nó ngon miệng hay nhạt nhẽo, có lẽ đều phụ thuộc vào bàn tay người chế biến. Nếu bạn có thể mải mê nhìn ngắm ngọn cỏ đang mọc thì bạn cũng có thể ăn matooke liên tục đến nỗi không buồn dừng lại để nói chuyện. Một bữa ăn với món matooke nếu được chế biến đúng cách hoàn toàn có thể thổi bay vị giác của bạn và đem lại cảm giác thỏa mãn cực độ cho người thưởng thức.

Người Buganda có một tập tục khá thú vị tương tự như phép “ăn không nói, ngủ không mớ” của chúng ta: cấm chào hỏi những người đang dùng bữa trưa hay bữa tối. Bạn có thể tự giải đáp lí do của tập tục lạ này ngay khi nhìn thấy hàng tá những đĩa thức ăn làm từ matooke như món luwombo (thịt nấu kiểu Đông Phi), katogo (món hầm chuối và thịt), matooke n’enyama. Chúng nó ngon đến nỗi ta sẽ chẳng buồn ngừng ăn để mà chào hỏi. Bạn sẽ chỉ muốn thưởng thức món ăn cho đến miếng cuối cùng mà thôi, còn ngón tay trỏ của sẽ bạn bật chế độ tự giơ lên sau khi bữa ăn kết thúc.

Món luwombo (thịt hầm kiểu Đông Phi với chuối matooke)
Món katogo (món ăn sáng phổ biến với chuối matooke hầm)
Món matooke n’enyama thì khá giống cà ri kiểu Việt nhưng thay khoai lang bằng chuối matooke

Cách chế biến phổ biến nhất của matooke chính là nghiền mịn chúng thành một loại bột màu vàng (tương tự như món khoai tây nghiền) sau khi hấp chín, lúc này phần thịt chuối sẽ chuyển màu vàng nghệ (sau khi đã cứng rắn chọn sống cả đời là chuối xanh!!!). Sau đó người ta thường sẽ bỏ nó vào hầm cùng các món gà hay bò. Và chính cách nấu này là bí kíp cho câu hỏi vì sao matooke có thể trở thành một loại lương thực tại vương quốc 400 tuổi này. Những miếng matooke vừa đủ độ ấm và tôn thêm độ đậm đà cho nước thịt cũng như điểm xuyết cho màu sắc của món hầm. Và thế là sau khi khám phá ra cách chế biến món matooke, đa số mọi người đều quyết định rằng mình sẽ ăn nó trong bữa chính kể từ giờ phút này. 

Món ăn gắn kết gốc rễ dân tộc

Người Buganda xem matooke như nguyên liệu chính của món ăn thay vì là một thành phần bổ trợ. Nếu một người bản địa Buganda vừa ăn món ăn gồm cơm, matooke, sốt đậu phộng với một chút cải xoăn, và bạn hỏi họ đã ăn gì thì câu trả lời sẽ là: “Đồ ăn với cơm và sốt đậu phộng và cho thêm chút cải xoăn để bổ sung vitamin.” Đồ ăn này nghiễm nhiên để chỉ chuối makoota, món-mà-không-nhắc-cũng-biết-đến của dân Uganda.

Vào những năm 1980, Uganda bị bao trùm bởi khói lửa của cuộc nội chiến, cả đất nước chìm trong đống đổ nát và hoang tàn. Nhiều gia đình lựa chọn gửi trẻ em đến đất nước Kenya bên cạnh. Những đứa trẻ Uganda lớn lên ở Kenya dần dần bị đồng hóa thành người Kenya, bởi vì cũng giống như Uganda, văn hóa bản địa của người Kenya cũng rất đặc sắc. Thế nhưng các bậc phụ huynh người Uganda luôn cố giữ lại những phong tục của quê hương. Họ cố gắng sử dụng một ít tiếng Uganda, kể những câu chuyện cổ tích của Uganda, và điều quan trọng nhất chính là trong nhà không bao giờ thiếu matooke. Matooke đối với người Uganda mang ý nghĩa biểu tượng tựa như quê nhà Uganda vậy.

Với những thế hệ trẻ em Uganda tị nạn năm đó, giờ đây khi đã trở thành những người trung niên, một số thậm chí sống ở Kampala cả giai đoạn trưởng thành và nói tiếng Uganda khá tốt, thì ngôn ngữ này vẫn chỉ là ngôn ngữ thứ ba của họ (sau tiếng Anh và ngôn ngữ nước họ tới tị nạn). Ký ức cuộc chiến năm ấy đã dần nhoè đi, chỉ còn có thể tiếp cận nó thông qua lời kể hay những câu chuyện. Thế nhưng, ký ức matooke trong tuổi thơ vẫn giữ nguyên trong tim, tựa như hình bóng của Uganda đã hóa hình để có thể cầm lấy được. 

Hình bóng của Uganda đã hóa hình thành những quả chuối matooke.

Lũ choai choai đồng hương Uganda khi xưa tụ tập chơi cùng nhau có “sáng chế” ra một cụm từ để “thả thính” khá “dính”. Thay vì nói rằng: “Em là mặt trời trên bầu trời của tôi,” hay “Em là viên ngọc quý giá gắn trên vương miện của tôi,” thì họ nói “Em là thơm ngọt trong quả matooke của tôi.” 

Nó có thể nghe thật kì lạ và ngớ ngẩn và cũng chẳng phải bài thơ tình hay ho gì. Nhưng nếu bạn muốn bày tỏ với người Uganda nào đó rằng họ khiến bạn cảm thấy yêu đời hơn, họ là bạn đời hoàn hảo đối với bạn, họ đã khiến cho cuộc sống của bạn thêm ý nghĩa và vô cùng xinh đẹp. Vậy hãy thử nói “Em là thơm ngọt trong quả matooke của tôi”. Cho dù nghe không được lãng mạn cho lắm nhưng với sự thân thương của quả matooke với dân bản xứ, chắc chắn họ sẽ cảm nhận được tấm chân tình của bạn.

Ngoài món ăn matooke dân dã thường ngày , giờ ta hãy chuyển qua nói về một món ăn không kém phần thú vị, đó chính là luwombo. Để làm ra được món luwombo vô cùng công phu, vì nó sẽ tăng hương vị của matooke lên đến cực độ bằng cách tăng áp suất của lò lên vô cùng lớn và đẩy mức lửa lên cao. Bề ngoài của những quả chuối không có gì thay đổi, chúng vẫn mềm mịn màu vàng. Điều thay đổi chính là hương vị của những quả chuối, đó là sự bùng nổ cả về mùi lẫn vị của nó. Thịt gà, thịt bò và đậu phộng được nêm nếm cay đã làm ngậy thêm hương vị của matooke. Những miếng thịt gà được gói trong lá tooke và được cột chặt lại bằng dây cũng được làm từ lá tooke để khóa chặt hương vị của nó lại bên trong, sau đó nó sẽ được hấp trong sáu tiếng đồng hồ. Quy trình nấu luwombo vô cùng phức tạp, nó yêu cầu người nấu phải thật cẩn thận, khéo léo và đầy kinh nghiệm. 

Món luwombo vô tốn công, quá trình nấu có thể mất từ 6 tiếng đến cả ngày.

Những người Uganda không dùng từ nấu khi mô tả việc chế biến món luwombo, thay vào đó họ thường sử dụng cụm từ “chuẩn bị” hơn. Khi mới nghe thì có vẻ ai cũng sẽ có suy nghĩ rằng đây chỉ là một hệ quả của việc xáo trộn ngôn ngữ khi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất tại Uganda. Đây quả thực là một cách giải thích vô cùng hợp lý nếu tiếng địa phương không có từ nào phân biệt việc nấu ăn với  “chuẩn bị bữa ăn”, thế nhưng, tiếng Uganda vẫn có từ kufumba để chỉ việc nấu ăn. “Kufumba muceele” có nghĩa là “đang nấu cơm.” Nhưng bạn có thể nấu cơm chứ bạn không thể nấu luwombo bởi vì quá trình đó không chỉ đơn thuần là nấu mà nó còn đòi hỏi nhiều quy trình khác nữa. Đó chính là lý do tại sao món luwonbo luôn cần dùng từ “chuẩn bị”.

Nấu luwombo cần những đầu bếp có tay nghề cao.
Quy trình chuẩn bị bao gôm rất nhiều bước phức tạp.

Khoảnh khắc đầu bếp cắt những dây buộc xung quanh và mùi hương bị gói gọn sau những lớp lá xộc vào hai cánh mũi có thể làm cho cả quý ông lịch lãm nhất cũng sẽ quên giữ phong độ trong vài giây hay thậm chí sẽ chảy một nước miếng. Và bởi vì món luwombo phải chuẩn bị hơn nửa ngày trời, ngừoi ta thường chỉ thưởng thức nó trong các dịp đặc biệt như ngày lễ, đám cưới và các sự kiện tôn giáo. Tại nơi đó, mọi người sẽ ăn mặc sang trọng trong các bộ gomesis kanzus, đoàn kịch sẽ nhảy múa theo điệu trống và người diễn thuyết tài năng sẽ ngâm thơ của mình, và tất cả đều chờ đợi thời khắc tuyệt vời nhất của ngày hôm đó: giây phút món luwombo được bưng ra.

Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng ăn được luwombo hơn bởi vì nó luôn xuất hiện trong menu của các nhà hàng Uganda. Thế nhưng với nhiều người Uganda, họ vẫn cảm thấy nên để dành món luwombo cho một dịp xứng đáng với nó, bởi vì những thứ quá phổ biến sẽ không được trân trọng.

Luwombo thường được phục vụ trong những ngày mang tính chất kỷ niệm như ăn mừng lễ đính hôn, đám cưới, thôi nôi và cả kỉ niệm ngày cưới và việc các nhà hàng luwombo đã khiến việc có được món ăn này trở nên vô cùng dễ dàng. Bạn có biết nhà hàng Đông Phi nào gần không? Hoặc nếu ngầu hơn, sao không thử tự làm món luwombo tại nhà?

Tác giả: Ernest Bazanye
Tranh minh hoạ: Samantha Slinn
Bài viết được trích từ tạp chí Fare Kampala
Người dịch: Bảo Châu N.