Có lần, tôi nhìn thấy một con cự đà len lỏi qua khu vườn dương xỉ. Nó ngẩng đầu lên và bất chợt cắn vào một bông hoa giấy màu tím, cứ như vậy, hết bông này, nó lại cắn vào một bông hoa khác. Ban đầu, tràn ngập tâm trí tôi chỉ là cảm xúc “thương hoa tiếc ngọc”, nhưng rồi, tôi dịu đi và dần dần hiểu ra: có lẽ đây chính là sự thôi thúc. Nó cũng tương tự như sự thôi thúc mà tôi đã nhìn thấy nơi con gái của bạn tôi, trong những tấm ảnh chụp con bé, túi áo nó nhét đầy những đóa hoa mà nó thu nhặt được khi đi dạo. Cô bé năm tuổi ấy cũng đã chẳng thể cưỡng lại sự thôi thúc từ những đóa hoa đầy hương sắc. Hay như Robin Wall Kimmerer viết trong cuốn Thắt Nhành Cỏ Ngọt: “Tình yêu dành cho những cô gái của tôi nằm ở đâu? Ở những ngày đi hái hoa tử linh đan tháng năm và những buổi đi bơi vào tháng bảy.”
Chúng ta sống với những đóa hoa, và thậm chí, đôi khi ta sống vì chúng. Hoa đã điểm tô hương sắc cho cuộc sống nhân loại trên suốt chặng đường dài lịch sử. Thời Trung cổ, người ta dùng hoa để trang trí, sử dụng trong các món ăn và những cánh hoa cũng được cho là đã được dùng để làm nước tắm cho nữ hoàng Cleopatra. Không những vậy, hoa còn là chất xúc tác chuyên dụng cho sự sáng tạo nghệ thuật và từng mở ra cánh cửa cho phụ nữ có cơ hội dấn thân vào khoa học. Thậm chí, đôi khi, chúng đã làm được cả hai điều đó cùng lúc. Minh chứng cho việc này chính là tập mẫu cây của Emily Dickinson – một danh mục được sắp xếp tỉ mỉ gồm khoảng bốn trăm loài hoa mà cô đã thu thập và nghiên cứu. Cho dù những loài hoa ấy được phân loại và tổ chức chặt chẽ, hay được trồng trọt, đánh giá và mua bán rộng rãi như thế nào đi nữa, hay cho dù chúng đã truyền cảm hứng cho bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật và văn học, cảm giác thôi thúc vẫn luôn dẫn lối cho tất cả các tương tác của chúng ta với hoa.
Một đóa hoa đánh dấu thời gian một cách sắc nét và chính xác. Bạn có thể chưa cảm nhận được hơi thở của mùa xuân, nhưng những bông hoa chẳng bao giờ quên nở vào ngày đầu xuân ấy. Và rồi, khi bạn còn đang thẩn thơ ngước nhìn thế giới, thì cảnh sắc đã ngập tràn sắc hoa, nở rộ, rực rỡ và đầy sức sống. Có một cảm giác đặc biệt mà bạn chỉ có thể cảm nhận được khi đối diện với chúng. Đó chính là cho dù đang ở trong một khu vườn rộng lớn, thì khi bạn ngắm nhìn một bông hoa nào đó, bạn sẽ thấy bông hoa ấy như thể chỉ dành cho riêng bạn. Tình yêu và khao khát khám phá sẽ ngập tràn trong khoảnh khắc bạn ngắm nhìn nó: cả một vũ trụ nhỏ bé đang hiện diện trước mắt bạn, tưởng như sắc hương đến thì chỉ còn chờ bạn đưa tay ra hái, lại như một món quà cần được nâng niu trân quý. Khát khao được độc chiếm đóa hoa ấy, nhét nó vào túi áo của mình có lẽ tự nhiên hơn là việc sắp xếp, bày trí nó một cách công phu và trang trọng. Cũng như sự thôi thúc muốn cắn vào những cánh hoa dồi dào nhựa sống mãnh liệt hơn nhiều so với việc nhìn chúng dần dần úa tàn qua ngày tháng.
1. Angelonia (Hoa ngọc hân, hương dạ thảo, lưu ly)
- Tên khoa học: Angelonia angustifolia
- Nguồn gốc: Mexico, Nam Mỹ
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: mùa hè
Angelonia không chỉ có một loài hoa mà gần như là tên gọi chung của cả họ hoa Hương Dạ Thảo. Tương tự giống như hoa mõm sói (Snapdragon – cũng là một loại hoa ăn được), nhưng thay vì có nhiều cánh, thì Angelonia chỉ có một cánh hoa hợp nhất. Những đóa hoa mang sắc trắng hoặc sắc loang giữa xanh và tím có nguồn gốc từ Mexico và Nam Mỹ. Cho đến gần đây, trong năm mươi năm qua, nó đã được lai ghép rộng rãi vào các khu vườn trên toàn thế giới. Angelonia có thể được dùng để tô điểm cho các món ăn hoặc được sử dụng để trang trí bánh.
2. Apple Blossom (Hoa táo)
- Tên khoa học: Malus domestica
- Nguồn gốc: châu Âu
- Loài: cây có hoa
- Thời điểm ra hoa: mùa xuân
Sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu bỏ qua hoa táo trong danh sách những loài hoa có hương thơm ngọt ngào nhất. Là loài hoa đầu tiên báo hiệu mùa xuân, nhắc đến hoa táo, người ta chỉ nhớ đến ngay mùi hương nồng nàn ngọt ngào từ những cánh hoa bé xinh xinh, hay hương thơm khó cưỡng của khu vườn táo lúc lỉu quả chín đỏ. Những bông hoa với sắc trắng, hồng tinh tế là dấu hiệu được ngóng trông của thời khắc giao mùa.
Năm 1897, hoa táo được chọn là loài hoa biểu trưng của bang Michigan, dù ngày nay, tiểu bang này chỉ đứng thứ ba trong cả nước về sản xuất táo, sau Washington và New York. Vì mang lại cho thực khách hương vị ngọt ngào thanh khiết, hoa táo được sử dụng trong rất nhiều món tráng miệng, món salad trái cây, hoặc được dùng để điểm xuyết tinh tế lên bánh ngọt và bánh tart.
3. Basil (Húng Tây hay Húng Quế)
- Tên khoa học: Ocimum basilicum
- Nguồn gốc: Châu Á
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: mùa hè
Cuối hạ là thời điểm mà cả thế giới tưởng như sực nức mùi húng tây. Là loại rau thơm thông dụng nhất của nhiều nền ẩm thực , thông thường cây húng quế có kích thước khá khiêm tốn với những chiếc lá bầu dục bé xinh. Nhưng đến thời điểm ngắn ngủi này thì thân cây có thể cao đến 60cm, và cũng là lúc những bông hoa nhỏ màu trắng hay tím xuất hiện từ những kẽ ngách lá.
Mùa hè cũng là lúc húng quế rẻ nhất và hay được bày bán tràn ngập ở các khu chợ hay vườn cây. Vì thế chúng ta thường có làn sóng làm pesto – một loại sốt màu xanh lá với hương thơm đặc biệt và vị ngọt xen lẫn the, được làm phổ biến khi dư thừa húng tây. Ngoài ra, cũng còn một món ăn khác thường được làm vào thời điểm này. Đó chính là salad Caprese – sự kết hợp giữa những lá húng tây với phô mai mozzarella và một mỹ vị mùa hè khác – cà chua.
Không chỉ nền ẩm thực, thơ ca và nghệ thuật cũng lấy nhiều cảm hứng từ loài thân thảo này. Một đoạn thơ được viết bởi John Keats trong bài “Isabella, or the Pot of Basil,” đoạn thơ này từ đó đã truyền cảm hứng cho hai bức tranh Pre Raphaelite:
“She wrapp’d it up, and for its tomb did choose
A garden-pot, wherein she laid it by,
And cover’d it with mould, and o’er it set
Sweet Basil, which her tears kept ever wet,”
Trong đoạn thơ trên, tác giả kể về một người phụ nữ đau buồn chôn cất thủ cấp bị chặt của người tình bị sát hại – Lorenzo, trong một cái chậu, phủ đất lên và trồng cây húng tây lên trên. Từ nơi nước mắt của cô rơi trên và mộ phần của người thương, những nhánh húng tây đã mọc lên xanh mướt.
Ý nghĩa ban đầu của các loài thảo mộc thường gắn với những cảm xúc về cuộc sống, tình yêu hay cái chết thời xa xưa hoàn toàn khác với thế hệ ngày nay. Nhưng cũng như rất nhiều loại thực phẩm khác, húng quế lại kết nối truyền thống và nếp sống dân gian của các nền văn hóa Đông sang Tây. Tên gọi cụ thể của Basil (húng tây) – theo tiếng Latin, xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “vua” hoặc “hoàng đế”. Ở Ai Cập cổ đại, thảo mộc này được sử dụng để ướp cho những vật linh thiêng. Ngược lại, người La Mã tin rằng càng bị lạm dụng và chà đạp, húng tây sẽ càng phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, để cầu mong một vụ mùa bội thu, họ “vờ” dẫm lên cây và nói “ngược” – cầu nguyện rằng nó sẽ không phát triển.
Basil là một trong những loại rau thơm phổ biến nhất trên toàn thế giới. Nó có vị the và ấm của bạc hà và tiêu nên rất dễ kết hợp với phô mai và trái cây, phù hợp dùng cho cả món ngọt và món mặn. Hoa của nó, khi dùng, thêm vào một loại gia vị thảo dược và khi ăn sống sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất. Cũng như hầu hết các loại thảo mộc có hoa khác, hoa của húng tây nên được thu hoạch trước khi kết hạt để giữ được chất lượng mong muốn.
4. Daylily (Hoa hiên)
- Tên khoa học: Hemerocallis fulva
- Nguồn gốc: Châu Á
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: mùa hè
Hoa hiên là một loài hoa chóng nở chóng tàn. Nó chỉ ngắm nhìn thế giới trong một ngày duy nhất: nở ra vào buổi chiều và nở rộ suốt đêm, sau đó, nó biến mất. May mắn thay, hạt hoa hiên dễ dàng lan đi như những loài hoa dại trên các cánh đồng và lề đường. Giữa hơi thở cuối hạ, những đám hoa hiên mang sắc cam rực rỡ lắc lư theo làn gió.
Hoa hiên không phải là một loài hoa kèn thực sự, đây là một điều quan trọng cần lưu ý vì nhiều hoa loa kèn có độc. Có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản, hoa hiên có khả năng được đưa đến châu Âu bởi các thương nhân vào thế kỷ XVII, và sau đó được phổ biến đến Bắc Mỹ bởi những người nhập cư châu Âu đến vào cuối thế kỷ XVIII. Màu sắc phổ biến của loài hoa này là màu cam sáng, đậm hơn ở phần nhụy. Bên cạnh đó, hoa hiên cũng mang sắc loang từ kem đến hồng đến tím. Một cây hoa hiên lâu năm khỏe mạnh phát triển thành từng mảng và có thể cao tới gần 1m. Các ghi chép ban đầu của Trung Quốc liệt kê hoa hiên như một nguồn thực phẩm, vì cả chồi và cánh hoa đều có thể ăn được. Khi ăn, chúng giòn giòn và hương vị gợi nhớ đến đậu tuyết, với dư vị cay nơi đầu lưỡi. Chồi khô hoa hiên – được gọi là gum jum choi, “hoàng kim”, ở Hồng Kông, và Huang Hua Cai, “cây hoa vàng”, ở Trung Quốc đại lục, được ngâm nước và thêm vào súp, món mì hoặc các chế phẩm như các loại rau khác. Hoa hiên cũng có thể được thái lát và sử dụng trong các món salad và súp. Bên cạnh đó, sau khi loại bỏ nhị và nhụy hoa, toàn bộ hoa có thể được nhồi với phô mai và vụn bánh mì, phủ một ít bột và đem áp chảo, tương tự như cách làm với hoa bí.
5. Hoa hành tây
- Tên Khoa học: Allium spp.
- Nguồn gốc: Pan-global
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: mùa hè
Trong số hàng trăm loài thuộc chi Allium, quen thuộc nhất bao gồm các loài “chủ lực” trong nhà bếp như hành tây, hẹ, hành tím và tỏi. Tất cả đều có thể ăn được và tất cả đều có hoa. Mặc dù chúng khác nhau về hình dạng, hương vị và kích thước, đặc điểm cơ bản của tất cả các alliums vẫn giữ nguyên: củ của cây nằm dưới lòng đất và thân cây của nó mọc cao lên, bên trên sẽ có một đóa hoa tròn như quả cầu nhỏ và trên mỗi đóa hoa ấy là rất nhiều hoa li ti như những ngôi sao lấp lánh mang những màu sắc đẹp đến nao lòng như trắng, tím, hồng, và cả màu xanh hiếm có. Một số giống sẽ có những bông hoa dày đặc, trong khi một số giống khác, chẳng hạn như drumstick allium ( tạm dịch allium dùi trống), sẽ trông nhỏ gọn hơn, hình dáng gần giống như một chiếc gối cắm kim nhỏ.
Bằng chứng về việc trồng tỏi đã được tìm thấy trên các bản ghi chép bằng chữ hình nêm từ hơn 5.000 năm trước. Người ta tin rằng hoàng gia Ai Cập cổ đại đã cho những công nhân xây dựng các kim tự tháp ăn tỏi để tiếp thêm sức mạnh cho họ, và tỏi được tìm thấy trong lăng mộ của Vua Tutankhamen. Có lẽ người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã quy cho tỏi các đặc tính siêu nhiên của nó, đưa tỏi vào các nghi lễ tôn giáo và ma thuật, bao gồm cả những ý kiến cho rằng tỏi có thể xua đuổi bọ cạp và bảo vệ chống lại sự lây lan của bệnh tật nếu được đặt phía trên lối vào nhà – đây có lẽ là tiền thân của việc tin rằng sức mạnh của tỏi có thể xua đuổi ma cà rồng.
Người dân bản địa châu Mỹ đã pha trà từ củ allium để điều trị bệnh. Các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đã mang đến giống cây trồng đương đại mà chúng ta biết là tỏi ngày nay, và sau đó, ở Mỹ thế kỷ XIX, Shakers đã liệt kê tỏi trong danh mục thảo mộc của họ như một chất kích thích.
Hoa allium có thể ăn được (mặc dù không nên ăn alliums kiểng, vì chúng có khả năng đã được phun thuốc trừ sâu) và mang lại hương vị tựa như với phần rau của cây, nhưng nhẹ hơn một chút. Hoa có thể được nướng cùng bánh mì, được sử dụng trong các món súp, ngâm chưa, áp chảo và dùng để trang trí trên bất kỳ món ăn nào phù hợp với chúng.
6. Goldenrod (Cúc hoàng anh)
- Tên khoa học: Solidago spp.
- Nguồn gốc: Bắc Mỹ
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: mùa hè, mùa thu
Thời khắc ven đường rực rỡ sắc vàng – dấu hiệu cho thấy mùa hè sắp kết thúc, cũng là lúc mà người châu Âu và người Mỹ trải nghiệm sự nở rộ của những đóa cúc hoàng anh. Loài hoa này được đưa từ Trung Đông đến phương Tây vào thế kỷ 16 với tư cách là một loài thảo dược có thể dùng chữa bệnh, tên Latin solidago của nó có nghĩa là “làm tất cả” (mang nghĩa mọi bộ phận của cây đều có thể dùng được).
Ở Bắc Mỹ, cúc hoàng anh đã được tìm thấy trong hai phân đoạn của lịch sử, đầu tiên là một thành phần trong trà liberty, một chất thay thế trà đen được uống bởi những người yêu nước sau Bữa tiệc trà Boston năm 1773, khi trà đột nhiên bị thiếu hụt. Thứ hai, vào những năm 1920, khi Thomas Edison tìm đến loiaf cây này để hỗ trợ ông với một sự thiếu hụt khác (lần này trong lốp xe): “Đóng gói trong năm thùng vật liệu phòng thí nghiệm của ông ấy là hàng tấn thân cây của một loại hoa dại phổ biến: cúc hoàng anh. Cúc hoàng anh dường như là một loài cỏ dại có khả năng của Mỹ, mà nhờ có nó, Edison đã thành công chế tạo đối tượng mà ông nghiên cứu suốt hai năm qua: Cao su,” trích Tờ báo Time vào năm 1929. Một sự thay thế đầy đủ cho cao su cuối cùng không thể được chiết xuất từ loài cây này, nhưng trong bộ sưu tập hồ sơ nghiên cứu của Edison tại Thư viện LuEsther T. Mertz của Vườn Bách thảo New York, chỉ riêng Solidago đã chiếm hơn năm trăm kệ.
Tất cả các hoa cúc hoàng anh đều có thể ăn được và hương vị của nó tương tự như hoa hồi, với vị đắng và bạc hà. Bạn có thể thêm cúc hoàng anh vào một món salad và làm tăng thêm hương thơm cho món ăn, hoặc bạn có thể thử phát minh ra một cái gì đó mới.
7. Marigold (Cúc vạn thọ)
- Nguồn gốc: Nam Mỹ, Châu Mỹ nhiệt đới
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: mùa hè, mùa thu
Cúc vạn thọ mang ý nghĩa dồi dào, sung túc. Những quả cầu màu cam xù xì chen chúc nhau một cách tự nhiên, tràn ngập toàn bộ cánh đồng và khiến trái đất phủ đầy màu sắc. Hàng triệu bông hoa được xếp một cách ấm cúng trong những gò đất đầy ắp tại các khu chợ, tô điểm cho những thay đổi và xuất hiện kín những con đường vào Lễ hội người chết ở Mexico.
Cúc vạn thọ có nguồn gốc từ châu Mỹ và được người Aztec đánh giá cao về cả đặc tính dược liệu và ma thuật của chúng. Trong thế kỷ XV và XVI, những bông hoa này đã được phổ biến thông qua những gì bây giờ được gọi là Trao đổi Columbia, dòng chảy của cả hàng hóa và ý tưởng từ cái gọi là Thế giới mới đến Thế giới cũ. Cùng với hoa giấy, khoai tây và ớt, cúc vạn thọ đã đến Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu và nhanh chóng hòa nhập vào các nền văn hóa của từng khu vực, đặc biệt là Ấn Độ, nơi cúc vạn thọ nổi bật trong lễ hội Diwali và đã được sử dụng trong Ayurvedic – một hệ thống y học Hindu truyền thống. Khi đến Anh qua Bắc Phi, Tagetes erecta (vạn thọ) còn được biết đến với một cái tên phổ biến khác của nó: cúc vạn thọ châu Phi (khác với Tagetes patula (cúc vạn thọ Pháp) là một loài nhỏ hơn, được mang đến Anh từ Pháp.)
Cúc vạn thọ có thể ăn được và khi kết hợp vào nấu ăn, chúng bổ sung cho cả hương vị ngọt và mặn. Bên cạnh đó, chúng có thể được ăn sống hoặc tái. Ngoài ra, màu vàng của cúc vạn thọ còn được sử dụng như một sự thay thế ít tốn kém hơn cho nghệ tây. Phụ nữ chăn nuôi bò sữa ở Anh đã từng khuấy những cánh hoa của cúc vạn thọ với kem để cho bơ của họ có màu đậm hơn. Bạn hãy thử ấn cánh hoa cúc vạn thọ lên bơ để có một món ăn đẹp mắt nha!
8. Aster (Hoa thạch thảo)
- Nguồn gốc: châu Âu
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: cuối mùa hè, mùa thu
Hoa thuộc chi Aster (chi Cúc tây) giống như hoa cúc, thường có màu tím, và thường có thể được tìm thấy bên vệ đường và trên những cánh đồng khi cái nóng của mùa hè đang bắt đầu nguội dần đi. Tất cả các hoa thạch thảo đều có thể ăn được, mặc dù thạch thảo hoang là tốt nhất để thu hoạch, vì những bông hoa được trồng thường thấy giữa các cây mẹ (tình cờ cũng là một thành viên của họ Asteraceae – Cúc) tại các mảng bí ngô và do sự sắp xếp, chúng cũng thường sẽ được phun thuốc trừ sâu và các hóa chất khác. Cái tên aster, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là “ngôi sao”, đề cập đến hình dạng của hoa (mặc dù nó có thể dễ dàng gợi ý về số lượng lớn các loài thạch thảo, có vẻ nhiều như các ngôi sao). Theo thần thoại Hy Lạp, những bông hoa mọc lên từ những giọt nước mắt của nữ thần Astraea, người đã rất đau lòng khi nhìn thấy một bầu trời không sao.
Thạch thảo có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu trên thế giới, và đặc biệt phổ biến trên khắp các vùng khí hậu ôn đới. Thạch thảo đã trở thành biểu tượng của một phong trào cách mạng ở Hungary vào cuối Thế chiến I khi những người lính xuất ngũ ở Budapest đặt thạch thảo màu tím vào mũ của họ để báo hiệu sự ủng hộ của họ đối với Hội đồng Quốc gia Hungary.
9. Hoa phong lan
- Tên khoa học: Dendrobium spp.
- Nguồn gốc: châu Á, Úc
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: mùa xuân
Hoa lan rất khác với các loài hoa khác bởi trông nó có vẻ không tự nhiên, như thể nó được tạo ra bởi một nhà khoa học điên. Không phải tất cả các loài lan đều có thể ăn được, đặc biệt không phải là giống hoa lan nhện, nhưng tất cả các loài lan trong chi Dendrobium đều có thể ăn được. Hoa đỏ tươi và hoa trắng thường được trao đổi thương mại với cái tên karma hoặc chids là phổ biến nhất. Cánh hoa lan nặng và giòn giống như rau diếp xoăn Pháp hoặc cải xoong. Chúng được sử dụng phổ biến trong ẩm thực châu Á, qua việc được đập và chiên giòn. Ở Hawaii, chúng được thêm vào món salad và được phủ đường để dùng trong món tráng miệng. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, dondurma – một loại kem có độ đàn hồi từ bột salep, có nguồn gốc từ củ của một chi lan khác – Orchis.
10. Nigella (Hoa bảo thạch Ba Tư, hoa kim cương)
- Tên khoa học: Nigella damascena
- Nguồn gốc: châu Âu, Bắc Phi
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: mùa xuân
Nigella là loài hoa nhỏ nhắn có hai lớp cánh thuôn nhọn xếp chồng lên nhau gợi sự liên tưởng đến những viên kim cương, đá quý. Loại hoa này có nhiều màu nhưng phổ biến nhất là màu xanh, trắng và hồng. Bởi vẻ ngoài “mỏng manh sương khói” mà chúng gắn với một ý nghĩa tựa như trong cổ tích: “tình yêu trong sương mù”, chắc có lẽ bởi vì hình ảnh biển hoa Nigella nở dày đặc thành bụi tạo ra một ảo cảnh vô cùng rối rắm, cũng tương tự như cảm xúc khó đoán khi yêu. Hoa bảo thạch Ba Tư có nguồn gốc từ Nam Âu và Bắc Phi, và tên gọi cụ thể của nó – damascena, có nghĩa là “thuộc về Damascus” (thành phố thủ đô của Syria).
Dù là loại hoa xinh đẹp bậc nhất nhưng Nigella lại được biết đến nhiều hơn vì hạt của nó. Hạt lớn đem thẫm thu hoạch khi hoa tàn hay bị nhầm lẫn với thì là đen. Hạt của hoa Nigella có mang hương vị nhục đậu khấu nhẹ, có thể được nghiền làm bột gia vị hay ăn sống, hoặc nấu chín. Hoa Nigella này cũng có thể ăn được, nhưng chủ yếu chúng thường được dùng để tô điểm cho các món ăn.
—