Thế nhân bỏ lại đằng sau ly trà…
Trước khi trở thành một trong sáu loại thức uống thống lĩnh lịch sử nhân loại, trà là một vị thuốc Đông Y. Trong các văn bản cổ được ghi chép lại, ở Trung Hoa thế kỷ thứ 8, trà đã được đem vào trong thơ ca như một trong những thú tiêu khiển nhã nhặn. Và đến thế kỷ 15, người Nhật Bản chính thức đem trà thành một loại ‘tôn giáo’ – Trà Đạo. Đạo của Trà xuất phát từ sự trân trọng cái đẹp tồn tại giữa những xấu xa đen tối của cuộc sống. Trà Đạo nhấn mạnh sự tinh thuần và hài hoà, ẩn nguồn của sự bác ái, cùng những tư tưởng lãng mạn từ trong trật tự xã hội. Trà Đạo cũng tôn vinh sự thiếu khuyết như một phần quan trọng dẫn trong quá trình đi tìm đến sự hoàn mỹ, vốn là điều khó đạt được trong cuộc sống.
Những triết lý trong Trà Đạo không chỉ là một khái niệm duy mỹ, mà nó còn bao hàm và cộng hưởng với hệ thống giá trị đạo đức và niềm tin được xây dựng từ tổng thể nhân sinh quan và tự nhiên. Nó thanh thuý, vì sự trong trẻo không tạp niệm, nó kinh tế, vì sự giản dị không xa hoa phù phiếm, và nó đại biểu mô hình luân lý bởi những định nghĩa về vai trò của con người trong vũ trụ quan. Nó biểu đạt cho tinh thần dân chủ Phương Đông bằng cách biến tất cả tín đồ của nó thành chủ nhân của hương vị.
Truyền thuyết về lá Trà
Trà có tên khoa học là Camellia sinensis, đã có tên trong danh sách thực phẩm của con người từ 1800 – 4700 năm trước. Chưa xác định được nguồn gốc của lá trà, nhưng nhiều truyền thuyết của Trung Hoa cổ xưa ghi chú về Thần Nông – vị hoàng đế trị vì từ năm 2730 trước Công Nguyên, là người tìm ra lá trà.
Nông Đế đang đun sôi một ấm nước để uống (nấu sôi nước để diệt khuẩn là một phương pháp đã có từ xưa của người Trung Quốc) thì bất chợt có một vài lá từ bụi cây trà gần bên bay vào nồi, và để lại hương vị hoà cùng nước. Nông Đế nếm thử, và nhận ra hương vị thơm ngọt của nó, vì thế ông bèn bỏ lá trà vào túi lưu trữ các loại thảo mộc của mình. Bạn chắc hẳn sẽ nghĩ, ai lại đi uống thứ nước bị nhiễm bẩn từ một loại thực vật chưa biết tên chứ? Nhưng Thần Nông vốn nổi danh là một trong những danh nhân có công trong việc thử và tìm ra nhiều loại thực vật chữa bệnh. Thực ra còn có những truyền thuyết kể về việc Thần Nông đã trên dưới 72 lần bị…ngộ độc vì thử thực vật mới. Cho nên chúng ta không nên bắt chước theo nhé.
Quay trở lại chuyến hành trình của Trà, người Nhật Bản lại có một phiên bản hơi huyền bí cho nguồn gốc của Trà. Một nhà tu có tên Bodhidharma đã truyền bá Phật Giáo từ Ấn Độ sang Trung Quốc và Nhật Bản, Khoảng vào năm 520 trước Công Nguyên, nhà sư này bắt đầu bế quan tu hành, tĩnh toạ trong suốt 9 năm liền với tư tế diện bích. Trong suốt 5 năm, ông đã làm rất tốt việc tu hành, nhưng vào một ngày nọ, ông chợt thiếp đi sau một cơn mệt mỏi. Tỉnh dậy, ông hối hận về sự chểnh mãng của mình tới mức nhà sư đã cắt mí mắt của mình và vứt xuống đất. Một loài cây đã mọc lên từ phần thịt rơi xuống đất. Nhà sư bèn nấu loại thảo mộc này lên, và có được một loại thức uống giúp ông tỉnh táo đủ để duy trì nốt bốn năm thiền toạ còn lại.
Bỏ qua nguồn gốc của cây trà, lịch sử của Trà không thể bỏ qua giai đoạn thịnh hành ở Trung Hoa thế kỷ thứ 8, rồi từ đó đi khắp Á Châu với con đường tơ lụa, sang Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, và cả những nước Tây Dương. Người Hà Lan là nước phương Tây đầu tiên nhập lá trà qua đường hàng hải vào thế kỷ 17. Quý tộc Anh ngay sau đó đã lập tức say mê loại thức uống này. Và tới năm 1650s, tức chỉ nửa thế kỷ sau, trà đã phổ biến tới mức giá của nó rẻ đủ để các tiệm cà phê tại Anh dùng để thay thế cho cà phê cà và cacao.
Người Châu Âu sau đó mang lá trà sang bán tại Bắc mỹ và những nước khác trên thế giới. Và giờ đây nó trở thành một trong 6 loại thức uống phổ biến nhất thế giới. Nền thương mại này đã đạt giá trị lên tới 49 triệu đô vào năm 2017, và dự kiến tăng tới 73 triệu đô vào năm 2024. Sau trà Ô Long và trà Assam thì trà Ceylon là loại trà phổ biến nhất. Ceylon là tên của Sri Lanka – và cũng là quốc gia sản xuất trà lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Điều thú vị là mãi đến thế kỷ 19, người Sri Lanka vẫn chỉ trồng độc cây cà phê. Nhưng một trận dịch bệnh đã khiến toàn bộ cây cà phê chết sạch vào năm 1869, và từ đó trà trở thành cây trồng thay thế tại đây.
Các loại trà thông dụng ngày nay
Cũng giống như cà phê phụ thuộc vào quá trình rang xây để cho ra hương vị, lá trà cũng phụ thuộc vào quá trình chế biến để cho ra đời các loại hương vị và chất lương khác nhau. Sau 2000 năm truyền bá trong văn hoá nhân loại, ngày nay có 8 dòng sản phẩm về trà được ghi nhận rộng rãi.
🍵 Green tea (Trà xanh):
Trà xanh là loại lá trà tươi được mang về hấp hoặc sao lên ngay khi hái. Quá trình dùng nhiệt sẽ giúp phá bỏ các enzymes trong lá trà đồng thời ngăn ngừa sự lên men. Không có quá trình lên men, hầu như nguyên vẹn dầu và các hoạt chất chống Ôxi hoá trong trà sẽ được giữ lại trong trạng thái tự nhiên nhất. Vì thế trà xanh hầu như có hương vị thuần của lá trà.
Việc hấp lá trà sẽ làm mềm chúng, rồi sau đó các thợ sao chế sẽ dùng tay vò hoặc vặn lá trà. Quá trình này có thể làm công nghiệp hoặc bằng tay cho các dòng trà xanh cao cấp, nhưng mục đích của chúng là nhằm bẻ các phân tử của trà khô, nhờ đó chỉ cần nước sôi được rót vào là mùi và dầu trong trà sẽ ngay lập tức toả lan trong nước. Trà nếu được hấp và vặn, sau đó sẽ cần phải sao thêm một lần nữa để giữ khô.
Trà xanh là loại phổ biến nhát trong dân gian, vì thế mà bạn cũng hoàn toàn có thể mua một gốc cây trà về để trồng và tự sao trà cho mình. Có điều nhớ để mắt đến chúng thường xuyên nhé, vì một cây trà có thể cao tới 30 feet nếu được phát triển tự do.
🍵 Black tea (hồng trà)
Hồng trà là những gì ngược lại với trà xanh. Trong quá trình chế biến, người ta để lá trà khô tự nhiên, dưới ánh nắng hoặc bóng râm (tuỳ vào loại trà), rồi khi lá trà đã khô lại, thợ sẽ dùng tay vò lá trà lại để trộn lẫn không khí và nước cốt trà tự nhiên, từ đó lá trà được lên men tự nhiên. Sau vài tiếng, lá trà vì lên men sẽ hoá đỏ, và người ta lúc này mới dùng nhiệt hong khô lá trà để dừng việc lên men lại. Sau đó, lá trà khô cùng các mẩu vụn sẽ được sàng lại, để đảm bảo các lá trà có kích thước giống nhau nhất, và vì thế việc đun nấu sẽ được thuận tiện hơn.
Dòng hồng trà sẽ vì thế được chia ra thành loại theo size, như OP – Orange Pekeo là loại sản phẩm lá nguyên vẹn, BOP – vụn lớn của lá trà, fannings hay còn gọi là vụ tràm và dust chỉ phần cặn bụi còn lại. Giá cả và chất lượng của các loại trà này cũng kháu nhau. Fannings và dust sẽ được bán ở các chợ sỉ rồi làm thành túi lọc, dĩ nhiên hương vị cũng kém hơn rất nhiều, bởi vì cũng như cà phê, cặn trà sẽ đem lại những loại hậu chát và đắng cho thức uống.
🍵 Ô Long
Trà ô long là sự pha trộn giữa trà xanh và hồng trà, bởi vì lá trà ô lông chỉ được lên men một nữa, giữ lại một nửa hương vị tự nhiên. Và trong khi người Châu Á mê tà xanh, người phương Tây chuộng hồng trà, thì Ô Long Trà chỉ chiếm 2% tổng số lượng trà bán ra trên thế giới.
Một sản phẩm tra đặc chế khác được bán cho thị trường riêng trong dòng trà Ô Long chính là trà Pouchong (Bao Chủng). Trà này là một loại pha trộn giữa ô Long trà với Bạch Trà (chỉ trà chỉ dùng loại lá non ở ngọn hay phần búp chưa nở của đọt non, vô cùng thơm mềm, vị ngọt, chất liệu cao và hiếm có, tên gọi này là do lá trà non thường được phủ một lớp lông tơ trắng mềm bên trên).
🍵 Trà ủ hương
Như cà phê, lá trà cũng có thể ủ hương. Người Trung Hoa đã biết ủ thơm trà từ cả ngàn năm nay, và phương pháp ủ vẫn được lưu truyền tới nay, dù rằng ngày nay máy móc có thể tạo ra được những loại trà ủ hương thậm chí còn đậm mùi hơn.
Để tạo ra trà lài, chẳng hạn, người hái trà sẽ thu lượm hoa nhàu vào buổi sớm trước khi chúng nở, sau đó trộn lẫn với lá trà khô. Đêm tới, cũng là thời điểm hoa nhài nở, những lá trà sẽ hoà lẫn cùng cánh hoa, và hấp thu trọn vẹn mùi hương từ hoa nhài. Quá trình này mắc từ hai đến chín lần để cho ra được loại trà có mùi thơm mong muốn.
Ngoài ra, người ta còn xịt lên lá trà nước chiết từ hạt vanilla, vỏ cam, đào trước khi sao lá trà. Trà Earl Grey, điển hình cho phương pháp này là một loại trà được ủ với dầu bergamot – một loại cam có vỏ thơm nứt tiếng, và một loại lê chua chỉ mọc ở miền Nam nước Ý. Quả là cầu kỳ như cái tên Earl Grey (Bá Tước Grey) của nó nhỉ? Khi lá trà được sao cùng nước ép hoặc tinh dầu, lá trà sẽ hấp thụ hoàn hảo mùi hương cần có, Lapsang Souchong là một dòng trà độc đáo khác, được ủ hương với khói từ gỗ thông. Spices teas thì thường có trộn cùng gia vị khô, như trà gừng, trà mơ có miếng mơ khô…
🍵 Chai Tea
Chai trong ngôn ngữ nhiều vùng đất có nghĩa là trà, nhưng người Mỹ thì gọi Chai Tea để hình dung món trà của người Ấn có tên Masala Chai. Chai Tea dùng lá hồng trà, và được trộn cùng hạt cardamon (đậu khấu), quế,đinh hương, gừng, tiêu đen, mật ông và một ít nước đường.
Tự làm chai tea là một quá trình mất nhiều thời gian, bởi vì nguyên liệu cần được nghiền trước, rồi lọc qua lại nhiều lần để có thể đem ra uống. Vì thế đa phần chai tea được đóng dưới dạng bột đã pha sẵn, bởi vì không ai có thể bỏ hẳn 10 phút ra chỉ để nghiền một ly trà cho một vị khách nhỉ? Ngoài ra thì, các quán cà phê cũng đền bù chút ít vì không tự tay nghiền bột chai, bằng cách làm ra món chai latte, với sữa được thay bằng kem sữa đánh bông, và hương vị cũng có thể khiến người ta nguôi ngoai vị bột làm sẵn đấy.
🍵 Herbal Tea (Trà Thảo Mộc)
Trà vốn dĩ đã là một loại thảo mộc, nhưng trà thảo mộc thì đa phần không làm từ…trà. Quả là kỳ cục, nhưng trà thảo mộc là dùng để chỉ những thay thế cho lá trà, với các chế biến gần như tương tự. Chỉ khác, người ta sẽ dùng những nguyên liệu khác như củ, rễ, hoa, nhánh của các loại cây khác để làm ra trà. Ví dụ ta có trà hoa Cúc, trà Khổ Qua.
🍵 Gương mặt mới của làng Trà: Rooibos
Thật ra, rooibos không phải một dòng trà riêng biệt, mà là một nhánh của trà thảo mộc. Làm từ một lá trà đỏ không có caffeine được tìm thấy trong các bụi rậm Nam Phi có tên Aspalathus linearis. Lá trà này có hoạt chất chống Oxy hoá tương tự như hồng trà, và hương vị cũng vừa hợp để pha cùng quế hay mật ong để cho ra một ly latte.
🍵 Matcha
Matcha dĩ nhiên đã quá nổi tiếng cùng với văn hoá Nhật. Nhưng nếu bạn chưa biết thì đây là một loại trà được chiết từ trà xanh nghiền thành bột (khác hoàn toàn trà cặn), xuất phát từ các nghi lễ Trà Đạo của Nhật. Ở Mỹ, bột matcha nổi tiếng với phiên bản latte được chào đón ở hầu hết các quán cà phê lớn.