Nhà thiết kế Shin Okuda và môi trường: một mối quan hệ cộng sinh

Những hành động nhỏ có tạo nên sự bền vững to lớn.

Vào mỗi buổi sáng, Shin Okuda – nhà thiết kế đồ nội thất có trụ sở tại Los Angeles, có thói quen hút bụi ngôi nhà của mình, trước khi đến nơi làm việc. Đối với ông, “dọn dẹp là một hình thức thiền định và là một phần quan trọng của quá trình sáng tạo.”

Công việc của Okuda là thiết kế và làm ra những món đồ nội thất tiện dụng. Ông làm việc tại Waka Waka – studio do chính ông thành lập vào năm 2009 ở phía Bắc thành phố. Bắt đầu từ một vài tác phẩm mà ông làm cho các sự kiện tại Iko Iko – một concept store do vợ ông (nhà thiết kế thời trang Kristin Dickson-Okuda) điều hành, rồi từ đó, ý tưởng được phát triển mạnh mẽ và một bộ sưu tập các tác phẩm tinh tế, vui tươi ra đời. Các thiết kế của Okuda là sự tổng hòa giữa cái tôi đầy tinh tế của ông và cảm hứng từ phong cách “kỳ quặc” của những nhà thiết kế Nhật Bản thời hậu hiện đại (post-modernism) từ những năm 70 và 80, chẳng hạn như Shiro Kuramata.

Okuda đã thiết kế studio Waka Waka giống như cách mà anh ấy thiết kế đồ nội thất của mình – đơn giản, đủ chức năng và tiện dụng.

Là nơi mà những tác phẩm thủ công lần lượt ra đời dưới bàn tay tài hoa, tỉ mỉ của Shin Okuda, Waka Waka được bày trí ngăn nắp và chăm chút sạch sẽ chẳng kém gì ngôi nhà của ông. Không chỉ đơn thuần là nơi làm việc, studio này dường như là “cánh cửa” mở đến cách mà Okuda tiếp cận, xem xét và sử dụng các vật liệu, giúp chúng ta hiểu rõ nhà thiết kế này hơn. Ông chia sẻ: “Khi thiết kế đồ nội thất, tôi luôn muốn tận dụng tối đa vật liệu. Tôi không thể tránh khỏi cảm giác đau đớn khi phải vứt bỏ thứ gì đó.”

Khi thiết kế một hệ thống giá đỡ hoặc ghế mới, việc đầu tiên Okuda làm là phác thảo ra những ý tưởng trên giấy. Sau đó, ông chuyển chúng thành thiết kế 3D bằng máy tính của mình. Với ông, đó là một phần thiết yếu của quá trình thiết kế và sản xuất, bởi nó cho phép ông hình dung ra sản phẩm mà không cần phải làm ra nhiều vật mẫu. Bằng cách này, ông có thể cắt các bộ phận ghép từ một tấm ván ép bạch dương theo cách hiệu quả nhất có thể. Ông nói: “Tôi giữ tất cả những thứ còn sót lại cho các dự án trong tương lai, hoặc tôi sẽ phát triển một dự án đặc biệt để tận dụng chúng.”

Các món đồ nội thất từ Waka Waka là một minh chứng cho câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Với mong muốn tạo ra những sản phẩm bền theo thời gian, Okuda ý thức sâu sắc tầm quan trọng của quá trình tạo ra những vật liệu mà ông sử dụng (ông thậm chí còn ước có thể tự trồng cây để có thể chịu trách nhiệm cho toàn bộ quá trình). Không chạy theo xu hướng nhất thời, Okuda hướng đến việc làm ra những sản phẩm không bao giờ bị lỗi mốt. Ông luôn cẩn thận để đảm bảo các thiết kế của mình có tính ứng dụng cao, có thể được sử dụng trong nhiều phong các nội thất khác nhau và trường tồn theo thời gian. Nhà thiết kế người Nhật bộc bạch: “Tôi muốn sản phẩm của mình có đặc trưng riêng, nhưng tôi không muốn nó quá phô trương. Công việc của tôi là tìm kiếm sự cân bằng giữa chức năng của sản phẩm và tính sáng tạo.”

Từ khi trở thành một người cha, Okuda càng quan tâm nhiều hơn đến các quy trình bền vững và thiết kế lâu dài. Ông tâm sự: “Trước khi con trai tôi chào đời, khi nghĩ về tương lai, tôi chỉ thực sự nghĩ về phần đời còn lại của mình. Bây giờ, cảm nhận của tôi về tương lai còn bao gồm thêm tương lai của nó, và điều đó đã tạo nên sự khác biệt lớn.” Chẳng còn bị cuốn theo guồng quay vội vã của công việc, từ khi có con, Okuda bắt đầu biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống – ông rời khỏi studio để dành nhiều thời gian ở nhà hơn (với ông đây chính là “thời gian yêu thích của tôi trong ngày”). Đứa con không chỉ là sợi dây nối Okuda lại gần hơn với gia đình của mình, mà còn khơi lên trong ông nhận thức mới về cuộc khủng hoảng khí hậu và vai trò của các nhà thiết kế trong việc giảm thiểu nó.

Một sản phẩm của Okuda
Okuda tự tay chế tác tất cả các đồ nội thất của mình tại studio của anh ấy ở phía bắc Los Angeles. (Sản phẩm trong ảnh: Máy hút bụi không dây Samsung Jet). Các phần thừa của nguyên liệu thường được tận dụng để cho ra đời những tác phẩm ngẫu hứng.

Okuda chia sẻ: “Đôi khi tôi nghĩ, đã có quá nhiều đồ vật trên thế giới rồi, tôi không nên làm thêm bất cứ điều gì nữa. Nhưng, tôi là một nhà thiết kế đồ nội thất.” Hiện nay, dù mọi người đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc sửa chữa và tái sử dụng đồ nội thất, nhưng nhiều người vẫn có nhu cầu sở hữu những món đồ mới. Để giải quyết vấn đề này, ông quan niệm rằng sứ mệnh của một nhà thiết kế là phải làm ra các sản phẩm có độ bền cao, các sản phẩm được thiết kế để có thể đương đầu với thử thách của thời gian. “Bây giờ, tuổi thọ của sản phẩm là một yếu tố quan trọng mà tôi hướng đến”, ông nói. “Tôi muốn nhận thức được những gì mà bản thân đang cống hiến cho thế giới.”

Thay vì những thiết kế mang đậm tính “art”, ông chú trọng hơn đến sự bền vững.

Câu chuyện được viết bởi sự hợp tác của Samsung như một phần của Slow Systems – một series mới cung cấp những ý tưởng đơn giản để biến những khoảnh khắc đời thường thành những trải nghiệm có ý nghĩa hơn.

Tác giả: George Upton.
Ảnh: Justin Chung.
Người dịch: Nhật Minh V.