8 cách để hoà đồng tại chỗ làm

Có thể với bạn, gia đình là cả thế giới. Nhưng hầu hết chúng ta mỗi ngày đều phải rời “thế giới” để đi đến chỗ làm việc. Cùng trải qua 8 tiếng mỗi ngày với bạn chính là các đồng nghiệp. Có người có mối quan hệ đồng nghiệp khá tốt, có người lại phải “chịu đựng” mỗi ngày khi đến chỗ làm. Vậy phải làm sao để quãng thời gian 1/3 ngày ở công sở trở nên vui vẻ dễ dàng hơn? Hãy cùng Sạp Báo Nhỏ điểm qua 8 cách gây thiện cảm với đồng nghiệp nhé:

Cười nhiều hơn:

Một cử chỉ nhỏ mang lại kết quả to lớn. Một người vui vẻ nở nụ cười và chào hỏi vào đầu ngày sẽ luôn là người nhận lại thái độ thân thiện. Dù bạn có phải là “morning person” hay không, hãy luôn cố gắng mỉm cười khi gặp đồng nghiệp lúc đầu ngày nhé.

Khi đã gây được thiện cảm, có thể bạn sẽ được rủ rê tụ tập hoặc ăn trưa cùng nhau. Chỉ cần nhớ, hãy tránh các chủ đề về tôn giáo, chính trị, và những lời đồn đại trong văn phòng nhé.

Tôn trọng ý kiến của người khác

Nếu bạn muốn được yêu quý, hãy học cách chấp nhận quan điểm khác biệt của mọi người. Khi làm việc, chuyện có quan điểm khác nhau xảy ra khá thường xuyên. Tuy thế, những nghiên cứu chỉ ra rằng, một nhóm với những thành viên có quan điểm, văn hoá và kinh nghiệm khác biệt lại thường là nhóm mang lại kết quả làm việc cao nhất.

Thay vì phản bác và “đỏ mặt tía tai” bảo vệ quan điểm của mình, hãy tập lắng nghe, và đưa ra lời khen cho những quan điểm khác, dù có thể bạn chưa hoàn toàn bị thuyết phục. Khi đối phương đã vui vẻ hơn, hãy bắt đầu thảo luận về những khác biệt, và ưu khuyết của từng quan điểm khác nhau.

Xây dựng lòng tin

Trung thực và liêm chính là yếu tố chính khi nói đến việc xây dựng niềm tin. Nếu đồng nghiệp chia sẻ bí mật cùng bạn, hãy đảm bảo rằng bí mật đó chỉ dừng lại ở bạn. Đừng dại mà đánh mất niềm tin của đồng nghiệp bằng cách “tám” chuyện những bí mật của họ. Việc này sẽ giúp khuyến khích nhiều người cởi mở và chia sẻ thông tin với bạn hơn.

Biết được giá trị của người khác

Nếu mọi deadline đều được xong đúng ngày. Nếu mọi đề xuất kinh phí đều được duyệt đúng lúc. Nhưng đời nào có chữ “nếu”. Vì vậy, những lúc khó khăn hay gấp gáp, hãy nhờ sự giúp đỡ đúng lúc đúng nơi. Bạn hãy tập quan sát để biết được sở trường của từng người. Việc được đánh giá cao và nhờ giúp đỡ đúng thế mạnh sẽ làm hầu hết mọi người thấy vui.

Biết lắng nghe

Cũng giống như ý nghĩa của việc tôn trọng người khác, bạn cũng nên học cách lắng nghe thật chân thành. Luôn để cho người nói kết thúc vấn đề họ đang đề xuất. Một chút phản ứng như gật đầu, đồng tình hay khích lệ sẽ giúp cho đồng nghiệp cảm nhận được sự thoải mái khi trò chuyện hay thảo luận cùng bạn.

Cách xử lý khó khăn

“Hoạn nạn mới biết chân tình”. Chính nhữung lúc gặp khó khăn, người ta sẽ càng ghi nhớ những sự giúp đỡ dù là nhỏ bé nhất. Chính vì thế, khi gặp việc khó, hãy bình tĩnh, tránh việc tranh cãi hay nóng nảy. Bạn có thể chủ động đưa ra sự giúp đỡ, hoặc phân chia công việc để giúp tình huống đơn giản hơn. Nếu bạn chưa biết làm gì, có thể chân thành yêu cầu mọi người cùng nhau thảo luận. Đừng tự gánh vác, và cũng đừng để người khác gánh vác một mình.

Đưa ra phản hồi mang tính xây dựng

Rất nhiều người lầm tưởng giữa việc chê bai, phê bình với góp ý. Cũng gần giống với những tình huống khi có quan điểm trái chiều, nếu bạn cảm thấy bất kỳ việc gì bất hợp lý hoặc sai nguyên tắc, bạn có thể thẳng tắhn và chân thành đưa ra phản hồi. “Tôi cảm thấy…”, “tôi nghĩ rằng”, hoặc “tôi mong muốn” sẽ là những lời mở đầu hợp lý và dễ chịu hơn so với “tại sao bạn lại” hoặc “bạn sai rồi”, “bạn không biết gì cả”.

Tử tế

Nếu ai đó từ chối giúp đỡ hay từ chối tham gia cùng bạn, điều trước tiên là hãy tránh công kích hay nghĩ xấu về họ. Hãy luôn chú ý đến những khía cạnh khác trong cuộc sống của họ, và cho người khác cơ hội được biện minh. Không phải ai cũng muốn chia sẻ thông tin cá nhân với đồng nghiệp, nên bạn có lẽ sẽ cần một quãng thời gian để người đó mở lòng. Và cần nhất là, đừng bao giờ thôi làm người tử tế nhé.