Khám phá nội thất Villa Prada Rhong Zhai – “bảo bối” của đất Thượng Hải

Design Anthology số 20 có dịp được tham quan bên trong biệt thự Rhong Zhai – một trong những căn biệt thự kiểu Tây được xây dựng từ thế kỷ 20 tại Thượng Hải. Toà biệt thự hiện đang được Prada đưa vào phục hồi để làm trụ sở chính và nhà trưng bày.

Trụ sở mới của Prada tại Thượng Hải

Nếu như các thương hiệu thời trang cao cấp và nổi tiếng khác như Louis Vuitton hoặc Cartier đều mời các nhà thiết kế và kiến trúc sư hàng đầu để xây dựng trụ sở của hãng, thì cách mà nhà mốt Prada làm lại khiến chúng ta không khỏi kinh ngạc. Nhà mốt hàng đầu nước Ý này chọn việc khôi phục lại các kiến trúc cổ xưa, và phục dựng lại nội thất mang ý nghĩa lịch sử của chúng. Công trình gần đây nhất được Prada lựa chọn là toà nhà Rhong Zhai tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.

Sau hai công trình phục dựng đầu tiên là Galleria Vittorio Emanuele II – trung tâm mua sắm lâu đời nhất của Ý nằm ở Milan – và Ca ‘Corner della Regina, một lâu đài 300 tuổi nằm trên kênh đào Grand của Venice, Rong Zhai là dự án về sáng kiến ​​phục hồi lớn thứ ba của Prada, và cũng là công trình đầu tiên bên ngoài nước Ý . Tòa biệt thự cổ này được xây dựng từ năm 1899 đến 1910, được Prada mô tả là ‘một trong những biệt thự sân vườn theo phong cách phương Tây tốt nhất Thượng Hải’. Ban đầu nó được sở hữu bởi một người Đức. Sau đó nó được bán lại năm 1918 cho một doanh nhân tên là Yung Tsoong-king. Người này đã sống ở đó với gia đình cho đến khi Chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ.

Phong cách kiến trúc pha trộn hai nền văn hoá Á-Âu

Ngôi biệt thự may mắn được bảo tồn trong tình trạng nguyên vẹn. Vào những năm 1920, biệt thự được tu sửa dưới sự giám sát của một kiến trúc sư người Trung Quốc mang tên Chen Chunjiang. Ngày nay, ngoài kiến trúc nguyên bản của toà biệt thư, khách tham quan còn có thể nhận ra dấu ấn của phong cách Art Deco và nghệ thuật Phục Hưng từ lần tu sửa này, mang đến một vẻ ngoài lộng lẫy cho căn villa.

Toà biệt thự mang theo phong cách đặc trưng của niên đại nó được xây dựng. Như những chi tiết bằng gỗ lớn, hay những tấm la phông trang trí trạm trổ cầu kỳ. Ví dụ như căn phòng họp lớn với điểm nhấn là một lò sưởi bằng men xanh lá, ốp gỗ phía trên, trang trí bằng những hoa văn theo phong cách Chinoiserie.

Đây là phong cách nghệ thuật mang sự cộng hưởng Trung Hoa và Tây Âu, được miêu tả là cách mà người phương Tây mô phỏng và đem những hoa văn cổ truyền Trung Hoa vào trong văn hoá phương Tây. Những hoa văn này bên trong căn villa Rhong Zhai có hai loại hình là hoa văn người và động vật. Phần cầu thang giữa nhà được pha trộn hai luồng văn hoá Tây Á, với lối thẩm mỹ bắt mắt ấn tượng và có phần cầu kỳ theo phong cách Trung Hoa.

Một trong những công trình phục dựng lớn nhất năm

Những thớ gỗ trong những lần tu sửa nhỏ lẻ về sau đã bị phủ lên những lớp sơn mới, khiến vẻ cổ điển của chúng bị giảm bớt. Đội ngũ nghệ nhân chuyên phục dựng của Prada, dẫn đầu bởi ngài Jac Rossi, đã không tiếc công sức cố gắng tách bỏ lớp sơn và nhữung lớp ván ép bên ngoài, đồng thời sử dụng những loại gỗ có niên đại tương đương để bù vào phần hỏng hóc, nhằm mang lại sự đồng nhấ trong phong cách cổ xưa.

Sự phong phú trong phong cách và văn hoá của căn villa còn được ví dụ bằng nội thất bên trong căn phòng ngủ được gọi tên là phòng Lotus. Hoa văn hoa sen cổ xưa kiểu Trung Hoa với gạch ốp tường màu pastel êm dịu. Trong suốt 2 năm ròng, Prada đã yêu cầu các xưởng thủ công của họ dùng những phương pháp phức tạp nhất và hiện đại nhất để phục dựng lại màu sắc, lớp men, độ trong suốt, cũng như những nứt vỡ của những viên gạch men gốc có niên đại cả trăm năm. Tổng cộng có 1600 viên gạch đã được thay thế để giữ vẻ ngoài hoàn mỹ và không đổi cho căn villa Rhong Zhai.

Điểm nổi bật khác của căn villa là những cửa sổ kính màu theo phong cách Art Nouveau và Art Deco. Có tổng cộng 69 tấm, trong đó nhiều nhất tập trung tại phòng khiêu vũ bên trong toà nhà. Trung tâm của căn phòng được điểm xuyết bằng một tấm kính màu lớn, với những hoa văn từ hoa hồng, những tia sáng cách điệu, những dải ruy băng và những vòng nguyệt quế. Thiết kế tuyệt mỹ và tinh tế này thậm chí được dùng làm bối cảnh phông nền cho buổi trình diễn bộ sưu tập Prada Resort 2018.

Phục dựng và tái tạo nhữung công trình văn hoá cổ xưa cần nhiều công sức và động lực, nhưng có lẽ riêng với công trình villa Rhong Zhai này, tất cả những gì Prada cần chỉ là tình yêu với cái đẹp.

 

 

Mục nhập này đã được đăng trong Creative. Đánh dấu trang permalink.