Bình sứ “Nguyệt ảnh” – bảo vật gốm sứ Hàn Quốc

(bài viết được trích từ cuốn Cereal 19, chủ đề Korea).

Moon jar (bình mặt trăng) là tên thường biết đến của loại bình sứ tròn trắng mỏng manh đặc biệt của văn hoá Hàn. Một chiếc bình sứ trắng mang sự tao nhã và nét thanh thản, tựa như hình ảnh mặt trăng phản chiếu trong hồ nước. Park Young Sook là một trong ít những nghệ nhân hiện nay vẫn còn nắm giữ kỹ thuật làm gốm cổ xưa này. Trong cuộc tao ngộ giữa Cereal số 19 và nữ nghệ nhân này, chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng quy trình làm nên chiếc bình mặt trăng không hề nhàn nhã như vẻ ngoài của nó. Vì tính chất mỏng manh vốn có, nên chỉ có 10% các bình sứ mặt trăng tồn tại sau khi qua quá trình nung, chưa kể sẽ còn phải qua thêm giai đoạn tráng thành công lớp sứ trắng sáng, bóng. Rõ ràng, đây là công việc đòi hỏi thể lực và độ bền vô cùng lớn. Dù đã vào tuổi 70, cô Park tiêu tới 500 calories hằng ngày cho việc tập thể dục và trồng rau. Công việc chính là nơi giải phóng năng lượng còn lại cho cô Park. Cô nói mình luôn thấy hạnh phúc và trẻ trung với công việc biến “đất đai” thành “ngọc quý”.

Cái nghiệp tình cờ này đến với cô Park từ đầu những năm 2000. Khi đó, cô đang tìm cho mình một thú đam mê cá nhân nào đó thuộc văn hoá cổ truyền của Hàn Quốc. Chiếc bình sứ mặt trăng vốn dĩ biểu đạt cho sự thanh nhàn và thuần khiết trong lý tưởng Nho giáo. Những chiếc bình sứ trắng đầu tiên được chế tác trong thời kỳ đổi mới của triều đình Joseon, sau hai cuộc xâm lăng của quân Nhật Bản và người Mãn Châu vào thế kỷ 16 -17. Việc hồi sinh kỹ thuật truyền thống này là một cách tuyệt vời để cống hiến cho nền văn hoá quốc gia. Tất cả những gì cô Park cần làm chỉ là tìm ra được kỹ thuật này thôi!

Thế mà việc này ngốn gần năm năm, với cả ngàn lần bị lỗi, bị hỏng. Giờ đây, sau 20 năm, nữ nghệ nhân đã bắt đầu việc thách thức với các hình dáng, màu sắc, độ men và lửa nung khác nhau để cho ra đời những sản phẩm cải tiến. Tác phẩm của nghệ nhân Park đang được đem vào các bảo tàng và viện triển lãm hàng đầu như V&A, Bảo tàng nghệ thuật Anh quốc, bảo tàng nghệ thuật Seattle và bảo tàng Arthur M. Sackler thuộc đại học Harvard.

Nhìn lại cuộc đời mình, nghệ nhân Park dường như được định sẵn số mệnh làm bình sứ mặt trăng. Thân phụ của bà Park cũng là một nghê nhân làm đồ nội thất trang trí thủ công, vì thế từ nhỏ, những kiến thức thủ công tinh tế đã được truyền thụ đến bà. Bắt đầu với công việc kiếm sống bằng nghề thẩm định cổ vật, khi lui về lại với công việc nội trợ và làm mẹ vào những năm 1970, bà đã bắt đầu học làm gốm. Cũng trong khoảng thời gian này, bà tìm mua được một chiếc bình sứ mặt trăng cổ đại hiếm có từ thế kỷ 18. Bị mê hoặc bởi nét đẹp thanh nhã mộc mạc của chiếc bình gốm mặt trăng, bà bắt đầu tập làm gốm sứ trắng. Chiếc bình gốc quý hiếm sau này được bà bán lại cho bảo tàng nghệ thuật Samsung ở Seoul, nơi nó được ghi danh như là bảo vật quốc gia.

Khi ngồi uống trà cùng nữ nghệ nhân, chúng tôi được cô chỉ cho bộ bình trà gốm sứ trắng, cũng là một trong các tác phẩm của cô Park. Chiếc bình không hề rỉ nước, thần kỳ, nó giữ hơi nóng vẹn nguyên dù chúng tôi đã uống cạn chén trà cuối cùng. Đây là thành quả nữ nghệ nhân đạt được sau thời gian dài trong nghề mà không cần tới những công thức hoá học cao siêu hay định lượng đất sét cụ thể nào, nhưng cô lại nói mình không phải người “nắm giữ” bí quyết gốm trắng. Nhiều năm được dạy dỗ nghề thủ công, cùng với công việc sưu tập cổ vật đã giúp cô định hình được những giá trị kiến thức dưới dạng xúc giác tiềm ẩn. Công việc của nữ nghê nhân là sự đức kết khiêm tốn của những kiến thức phong phú nhất, thế mà cô chỉ tự coi mình là một “người biểu đạt”. Mấu chốt của việc làm bình mặt trăng là khi kết hợp hai nửa chiếc bình sứ lại. Nơi phần bụng là nơi hai nửa hình cầu hoà hợp làm một, và cô Park thích so sánh sự kết hợp này với những cuộc hôn nhân, khi mà cả hai phải cùng tìm cách để tương thích với nhau. Hai nửa của bình mặt trăng sẽ phải chịu đựng qua một thời gian nung trong lò, và chuyện chúng có thể còn gắn kết sau thử thách dài đó hay không, cô Park không thể kiểm soát.

Câu chuyện của nghệ nhân Park có thể sẽ thật thiếu sót nếu không nói đến vai trò của Lee Ufan, nghệ nhân gốc Hàn người Pháp (nghệ sĩ được phỏng vấn trong cuốn Cereal 18). Vào những năm 80, chính ông Lee tìm ra tài năng của cô Park và khuyến khích cô đem tác phẩm ra công chúng. Cô Park bày tỏ sự tôn trọng và biết ơn tới những lời góp ý dù thẳng thắn nhưng vô cùng giá trị. Chính ông Lee cũng là người nhận định thời điểm sự nghiệp cô thăng hoa chính xác nhất. Ông Lee từng nói với người hậu bối về những cảm xúc tự hào của ông dành cho sự nghiệp của nữ nghệ nhân. Cùng nhau, họ đã tổ chức rất nhiều sự kiện, bao gồm sự kiện trưng bày chính năm 1987 tại Tokyo. Những tác phẩm mới nhất của cặp bạn nghệ sĩ này được trưng bày tại phòng trưng bày của nghệ nhân Lee tại New York – Gallery Y-S-P. Bình sứ trắng của cô Lee trở thành tấm canvas cho những tác phẩm hội hoạ tối giản của nghệ nhân Lee. Cô Park say sưa nói về dự định mở một phòng triển lãm các tác phẩm hợp tác cùng với thầy Lee với quyết tâm hiếm có.

Đối với nghệ nhân Park, gốm sứ trắng có sức mạnh lay chuyển lòng người. Cô buồn vì nhiều nơi vẫn chưa tạo được điều kiện cho những tác phẩm này được triển lãm riêng biệt, độc lập. Gốm sứ mặt trăng không biểu lộ vẻ đẹp hào nhoáng hút mắt người xem ngay, mà ngược lại, nó toả sáng từ từ. Một loại đồ gốm chưa bao giờ đặt mục tiêu hoàn hảo hay đối xứng, nhưng cũng tựa như mặt trăng sáng, nó mang một nét đẹp nguyên sơ. Bình sứ mặt trăng là dấu tích của bàn tay con người, cũng như biểu lộ giá trị sống mà nó hàm chứa: mỏng manh nhưng mạnh mẽ vững vàng, mềm mại nhưng lại cứng cỏi.

 

 

Mục nhập này đã được đăng trong Arts. Đánh dấu trang permalink.