Bài viết được dịch từ tạp chí Monocle 143, có bán tại đây.
Truyền thông giúp duy trì nhân loại như thế nào? Giúp những cuộc trò chuyện trở nên dễ dàng hơn? Đào xới những sự gian dối? Gắn kết tình làng xóm láng giềng? Hãy cùng xem cách mà truyền thông giúp nuôi dưỡng những văn hoá của nhân loại trong dự án thư viện tổng hợp dưới đây.
Thư viện ven sông mà bạn thấy đây đã tạo ra một tiêu chuẩn mới trong sự tiếp cận văn hóa, đồng thời là một ví dụ đáng ghi nhận cho thiết kế thân thiện với môi trường. “Thư viện từ lâu đã không còn là nơi lưu trữ sách cũ đầy bụi bặm” Knut Skansen, giám đốc của thư viện mới ở Oslo, Deichman Bjørvika khẳng định. “Ngày nay, thư viện là nơi hướng về tương lai. Việc chuyển vào một toà nhà có thể đáp ứng những nhu cầu để bảo vệ tương lai đó là hoàn toàn cần thiết.”
Khi bộ phận quy hoạch của thành phố Oslo quyết định phá bỏ thư viện được xây từ năm 1933 để thay bằng một kiến trúc phù hợp tiêu chí sử dụng hiện tại hơn, họ muốn tạo ra một kiến trúc thân thiện với môi trường cho những độc giả trong tương lai. “Yêu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả, Cắt giảm khí thải được kết hợp chặt chẽ với thiết kế, trong mọi giai đoạn từ lập kế hoạch đến khởi công rồi đến hoàn thiện kiến trúc,” Vibeke Johnsen, chủ dự án của thành phố Oslo cho biết. Thư viện được mở cửa vào mùa hè năm ngoái, nó được xây dựng bên cạnh Opera House, đối diện với mặt biển. Thủ đô Oslo của Na Uy là nơi có khí hậu rất khắc nghiệt. Nhiệt độ đôi khi đạt đến 30 độ C vào mùa hè và giảm xuống âm 20 độ vào mùa đông. Thông thường, hệ thống điều hoà nhiệt độ cho một tòa nhà 6 tầng vô cùng tốn kém và tiêu tốn năng lượng, nhưng lượng năng lượng tiêu thụ của tòa nhà này chỉ bằng một phần so với mức dự kiến cho kiến trúc có quy mô tương đương. Không chỉ là ngôi nhà cho khoảng 450,000 đầu sách, thư viện còn có rạp chiếu phim, thính phòng, nhà hàng và cả văn phòng.
“Chúng tôi có hai mục tiêu khi mới bắt đầu,” Johnsen nói. “Đó là năng lượng tiêu tốn cho toàn bộ tòa nhà không được vượt quá 85 kilowatt giờ cho một mét khối, và lượng chất thải từ vật liệu, xây dựng và cả sử dụng hàng ngày phải ít hơn một nửa so với những tòa nhà có kích cỡ tương tự.”_ Johnsen cho biết. Cả hai mục tiêu này đã được đáp ứng. Năng lượng cần thiết chỉ có 75.6 kilowatt giờ cho một mét khối và việc lựa chọn nguyên liệu chính xác, bao gồm việc chọn xi măng có nồng độ carbon thấp, đã giúp cắt giảm lượng chất thải gần 70%.
Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà vừa mang dáng vẻ đường bệ, vừa có nét cuốn hút. Những bức tường kính lớn đã giúp khuyếch tán khả năng chiếu sáng tự nhiên. Hai tầng cao nhất nhô ra che phủ các tầng dưới, mang đến tầm nhìn rực rỡ về hướng vịnh biển và thành phố. Ánh sáng được thu vào nhiều hơn nhờ có ba cửa sổ xếp lớn ở trên mái và những tia sáng đó được chiếu xuống các tầng dưới nhờ vào các khe hở xen kẽ nhằm giảm nhu cầu sử dụng ánh sáng nhân tạo. Ống sưởi và hệ thống làm mát được xây dựng âm sàn, trong khi phần tường xi măng bên ngoài hoạt động như một tấm hấp thụ nhiệt giúp làm mát tòa nhà trong mùa hè.
Là ngôi nhà cho khoảng 450,000 đầu sách, thư viện còn có rạp chiếu phim, thính phòng, nhà hàng và cả văn phòng. Các tầng thấp được thiết kế để tăng cường hoạt động kết nối của cộng đồng, trong khi các lầu cao dành cho những ai cần không gian yên tĩnh. Ở tại đây bạn có thể tìm thấy những phòng đọc sách và cả dự án Thư viện Tương lai, một bộ sưu tập sách đang được tiếp tục mở rộng bao gồm những tiểu thuyết được xuất bản từ năm 2014 đến 2114. Tất cả chúng đều là những ấn phẩm giới hạn dùng loại giấy được làm từ 1000 cây đặc biệt dùng riêng cho mục đích này. Giám đốc thư viện Skansen hy vọng sẽ sớm có thể tổ chức các buổi đàm thoại công khai, hội thảo và những hoạt động khác trở lại. Sẽ có vài buổi toạd đàm tập trung vào tương lai của Oslo và cả hành tinh này. “Thư viện vốn là ngành dịch vụ công cộng lâu đời nhất,” ông nói. “Giờ đây, mọi người còn có thể tới đây để cùng sẻ chia những ý tưởng về việc xây dựng một xã hội phát biển bền vững.”