Tại xưởng vẽ cải tạo từ một trang viên kiểu Pháp cũ, nữ phóng viên Anmick Weber đã có duyên kỳ ngộ cùng nghệ sĩ người Bỉ Michaël Borremans. Người nghệ sĩ có óc sáng tạo độc đáo này đang làm sống lại trường phái nghệ thuật có hình thể (figurative art painting) tại Châu Âu.
“Cô có tin nổi trước đây nơi này từng là bãi đỗ xe không?” nghệ sĩ người Bỉ Michaël Borremans hỏi, đưa mắt hướng về khoảng xanh trước mắt, với những rặng cây trải dài. Thật khó lòng tưởng tượng ra nơi này từng phủ lên tấm màn xám bê tông lạnh lẽo. Thế nhưng, cách đây 9 năm thì cũng khó ai có thể tưởng tượng được nơi này từng là trang viên săn bắn của một vị Nam Tước, được Borremans mua lại để cải tạo thành xưởng vẽ thứ hai thay thế cho cái tại Ghent.
Ngày nay, toà nhà đã trở thành một nơi chốn mà sự thanh thản dừng chân. Những cây cổ thụ xa xa có những đàn gia súc đang gặm cỏ. Còn phía bên này là một hàng cây non vừa trồng. Borremans giải thích rằng nhiều cây đã đến giai đoạn cuối của vòng đời, nên ông quyết định trồng thêm một số cây non: “Phải chắc chắn rằng trong tương lai bọn trẻ cũng sẽ có cây cho chúng chứ.”
Là một trong những hoạ sĩ được săn đón nhất ở Châu Âu hiện nay, chúng ta có lẽ có nhiều điều học hỏi từ “di sản” của Borremans. Ông sinh ra tại Bỉ vào năm 1963. Những năm 1990, ông bắt đầu trở thành một hoạ sĩ chuyên nghiệp. Trước đó, ông theo học khoá đào tạo trở thành nhiếp ảnh gia, và từng có thời gian làm giáo viên dạy bộ môn nghệ thuật. “Tôi cũng có kha khá kiến thức về hình thể và ánh sáng rồi, nên chỉ phải tự học thêm một chút về màu sắc và tập làm quen với màu vẽ nữa thôi.”_Borremans tự thuật. “Lúc bắt đầu thì tự tập từng chút với những thứ tôi thân thuộc thôi. Mà hồi đó, vẽ một bàn tay hay khuôn mặt cũng thấy khó rồi”.
Vì thế mà mất 5 năm để Borremans thực sự có thể tìm ra một phong cách tượng hình phù hợp với dòng tranh của mình. Khi đó, Bảo tàng nghệ Thuật Thành phố Municipal vừa mở thêm một phòng trưng bày tại Ghent. Và ông đã cho ra mắt triển lãm cá nhân vào năm 2000 tại đó. Người chủ của phòng trưng bày đã mua một bức tranh, và rồi sau đó lần lượt các phòng tranh và viện bảo tàng khác đua nhau mua tác phẩm của ông. Giờ đây, cứ mỗi lần ông hoàn thành xong một bức vẽ, là sẽ “bị cướp khỏi tay ngay lập tức” _ người hoạ sĩ bông đùa.
Borremans vẽ người, nhưng ông không vẽ tranh chân dung. Người trong tranh của Borremans luôn có sự xa vắng. Đôi mắt không bao giờ nhìn thẳng về đối diện. Có đôi lúc là một hình bóng xa mờ, có đôi khi là một người đội mũ trùm đầu hiện ra như được triệu hồi từ một nghi thức cổ xưa. Đôi khi, tranh Borremans xuất hiên những đứa trẻ cầm những thứ nhìn-thoáng-qua-giống-đồ-chơi, nhưng thực chất lại là những thứ kinh dị: những chiếc đạn pháo, bó cà rốt héo, con thỏ chết. Đôi khi, vật thể trong tranh được vẽ theo một tỉ lệ kì dị.
“Tác phẩm của tôi có 2 khía cạnh: một mặt chúng vừa xoáy vào phần tăm tối của con người và xã hội, trong khi mặt khác chúng vẫn giữ những nét diễn đạt truyền thống trong trường phái tranh nghệ thuật hình thể.” Borremans giải thích. Tranh của ông vừa đối lập, vừa lạ đời với con mắt người thưởng lãm. Nhưng cũng vì thế mà nó thú vị.
Borremans là người thích sống tách biệt. Ông mua căn nhà kiêm xưởng vẽ thứ 2 này, một phần vì nó ở nông thôn, cách xa khỏi những ồn ào, giúp Borremans có thể làm việc trong yên tĩnh. “Tôi là người thích độc hành” – Borremans nhấn mạnh. Ngoài vị trí lí tưởng, căn nhà còn có hơn mười phòng ngủ, cùng dãy chuồng trại và sân rộng để Borremans ngắn nhìn quang cảnh tự nhiên bên ngoài.
Cả ngôi nhà đều dùng làm xưởng vẽ. Nghĩa là, đôi khi, Borremans có thể vẽ xong một bức tranh ở một phòng, rồi để nó ở đó, bắt tay vào tác phẩm khác, trước khi quay lại chỉnh sửa nó thêm. Mỗi phòng cũng có cách bài trí khác nhau. Có những căn phòng nhìn như một xưởng vẽ truyền thống. Trong khi những căn phòng khác thì lại có phong cách như một studio. Dụng cụ vẽ nằm khắp nơi, từ bệ cửa sổ đến bàn ăn. Nội thất cũng thật kỳ quặc, khi thì nhìn như một cửa hàng tiêu bản thú săn, lúc thì lại như trang trại đồ chơi kiểu cũ.
Quá trình vẽ tranh của Borremans lạ chẳng kém tính cách ông. Khi bắt đầu bức vẽ, ông sẽ cho mời người mẫu tới studio, rồi yêu cầu họ làm thử nhiều tư thế khác nhau. Những cảnh vật trong tranh của ông thường không được kí hoạ như nhiều hoạ sĩ khác, mà Borremans sẽ chụp ảnh lại, rồi mới dùng ảnh để vẽ lại. Ông nói hình chụp cho phép ông được thử nghiệm không gian và màu sắc khác nhau cho khung cảnh.
Có đôi khi Borremans sẽ đi dạo trong khuôn viên toà nhà để tìm cảm hứng. Nhưng đa phần, khi Borremans bắt tay vào vẽ một bức tranh, ông thường vẽ đến quên cả thời gian. “Tôi mà bắt tay vào làm việc thì tôi sẽ “làm ổ” luôn trong studio, tựa như tôi biến vào trong bức tranh luôn vậy” – ông nói khi đang ăn một miếng bánh flan. Lúc đó là chiều muộn rồi, mà ông chỉ vừa ăn bữa đầu tiên trong ngày. Thế mà cũng có những lúc buổi làm việc chỉ tốn chừng 15 phút thôi. Mặc dù tuỳ hứng như vậy, Borreman vẫn có thời gian và lịch trình cụ thể cho tác phẩm của mình. “Lịch trình là thứ rất nguy hiểm. Nó dễ khiến ta sinh ra cảm giác nóng vội và tiêu cực. Nhưng việc mạo hiểm với quỹ thời gian cũng mang lại một kiểu năng lượng.” – Borremans nói, với một giọng bình tĩnh. Ông thường có thói quen ngừng một lúc để suy nghĩ khi nói chuyện. Ông nói mình hâm mộ những người nghệ sĩ lão làng như Goya và Caravaggio vì khả năng vẽ cực nhanh. “Với tác phẩm của họ, thì chỉ quá trình vẽ tranh cũng đáng cả một câu chuyện rồi đấy”.
Sự ngưỡng mộ của ông với những hoạ sĩ lão làng thể hiện rõ trong phong cách có chút ảnh hưởng từ Flemish hay trường phái Baroque của Tây Ban Nha. Khắp nơi trong xưởng là sách nghệ thuật và lịch sử cổ điển. Và mặc dù ông sử dụng nhiều điển tích cũ trong tác phẩm, nhưng các chủ đề Borremans hướng đến trong tranh như bình đẳng giới, chiến tranh, xã hội, tôn giáo và quyền lực, lại rất hiện đại và phù hợp với thế kỷ 21.
“Nhiều người bắt chước phong cách tranh cổ điển rồi làm tác phẩm trông cũng cũ kĩ theo. Trong giới này có nhiều tác phẩm chán chán kiểu vậy lắm. Nhưng nói không phải chảnh nhé, tranh của tôi không nằm trong đám đó. Nghệ thuật là cách để tiếp cận hiện thưc, thế nên dù nhiều người nói tranh của tôi “ác” quá, tôi lại thấy nó chỉ đang biểu hiện xã hội thực tế mà thôi. Chúng ta đều có thể trở thành kể ăn thịt người nếu bị dồn vào hoàn cảnh. Ai cũng có mặt xấu và tốt bên trong con người.” – Borremans lí giải cho chất quái trong tranh ông. Dù thật khó để mà khán giả của ông không đặt câu hỏi cho những bức tranh kiểu đứa trẻ khuyết chi hay nằm ngập trong chất-lỏng-giống-máu trong chùm tranh “The Sun” của ông ra mắt năm 2007.
Đi dạo ra vườn lại, Borremans đứng dựa vào cái khung kim loại ông chế ra để chống đỡ cho những nhánh cây khổng lồ đang chực ngã. “Tôi ráng giúp nó hết sức rồi.” Ông chỉ về cái cây, rồi bỗng trầm ngâm và nói tiếp: “Nhưng cũng có thể tôi sai lầm khi can thiệp vào tự nhiên. Biết đâu nó không cần tôi giúp sức, biết đâu nó đang phải chịu đựng?” Tôi nghĩ, nếu cái cây này được vẽ vào tranh của Borremans, chắc ông sẽ biến cái khung đỡ này thành cái nạng mang hình thù kì dị mất. Vì Borremans luôn kì lạ thế đấy.