Mùa thu năm 2017, tờ New York Times và những hãng thông tấn lớn trên thế giới bắt đầu khuếch trương cho một chiến dịch chống lại vấn nạn quấy rối/lạm dụng tình dục của những quản lý nam giới cấp cao trong giới giải trí với cấp dưới hoặc lính mới. Có những kẻ bị trừng trị và những vụ việc đen tối được đưa ra ánh sáng. Thế nhưng, đằng sau những ánh hào quang lại là một mặt khác của câu chuyện. Leanne Atwater, giáo sư ngành quản lý tại đại học Houston cho biết, nghiên cứu của cô và các đồng sự thời kỳ hậu-MeToo cho thấy những hệ luỵ đem lại hoài nghi về độ thành công của chiến dịch truyền thông này.
Vào đầu năm 2018, nhóm nghiên cứu bắt đầu thu thập những ý kiến về chiến dịch truyền thông #MeToo. Họ chia nghiên cứu thành 2 phần, cho nam và cho nữ. Tổng cộng có 152 nam và 303 nữ tham gia vào quá trình thu thập thông tin.
Mục tiêu đầu tiên là tìm hiểu xem liệu nam và nữ có ý kiến thế nào về định nghĩa của quấy rối tình dục (sexual harrassment). Lí do là vì đa số nam giới bị kết tội quấy rối thường có ý kiến về việc họ không “ý thức được hành động quấy rối tình dục”, và nữ giới đôi khi bị cho là quá “nhạy cảm” về việc bị quấy rối.
Trong 19 hành vi được mô tả trong bảng câu hỏi để được yêu cầu đánh giá liệu đó có phải là hành vi quấy rối tình dục hay không, đa số mọi người thống nhất về mặt ý kiến. Chỉ có 3 câu hỏi trong số đó là có ý kiến bất đồng. Và bất ngờ là đa số nam giới đánh giá những hành động trên là “quấy rối”, trong khi nữ giới thì không. Điều này chứng minh quan niệm của mọi người là sai. Nam giới “hiểu” quấy rối tình dục là gì, còn phụ nữ thì chỉ biết về nó. Thậm chí có thể nói, phụ nữ còn “khoan dung” hơn trong việc đánh giá mức độ hành vi “quấy rối”.
[Những hành động được mô tả bao gồm mời nữ đồng nghiệp đi chơi dù đã bị từ chối, gửi email truyện cười có nội dung thô tục, góp ý về nhữung bộ phận trên cơ thể phụ nữ].
Tiếp đó, nghiên cứu tìm hiểu về tỉ lệ việc quấy rối tình dục diễn ra tại nơi làm việc. Có 63% phụ nữ cho rằng mình đã từng bị “quấy rối tình dục”. Con số này bất kể công việc văn phòng hay lao động thể lực, bất kể độ tuổi, màu da, chức vụ. Chỉ có 20% số phụ nữ bị quấy rối dám báo cáo vụ việc. Những người còn lại đa số cho biết họ lo ngại vấn đề bị đánh giá là “nhân tố gây phiền phức”, hoặc sẽ nhận lại những bình luận tiêu cực khác. Chỉ có 5% đàn ông thừa nhận mình đã từng “quấy rối” người khác giới tại chỗ làm, trong khi 20% thì “nghĩ mình có thể” đã từng “quấy rối”.
Tuy nhiên phần gây bất ngờ thực sự của nghiên cứu lại là phần về giai đoạn “hậu-chiến dịch” #MeToo. Dù có những con số khả quan về khả năng cải thiện tình hình của #MeToo như việc 74% phụ nữ cho biết họ “có thêm can đảm” để trình báo việc bị quấy rồi tình dục, và 77% đàn ông bắt đầu tự kiểm điểm hành vi của mình với đồng nghiệp, thì cũng có những tác động tiêu cực khác.
10% cả nam nữ khẳng định họ sợ thuê những nhân viên có ngoại hình bắt mắt. 22% nữ và 44% nam tham gia nghiên cứu tiên đoán xu hướng “loại bỏ” nữ đồng nghiệp trên các phương diện giao tiếp xã hội, như tham gia tụ tập sau giờ làm. Và đến 1/3 nam giới được hỏi cho biết họ sẽ tránh tham gia họp mặt riêng tư với nữ giới. Sự khác biệt nhất giữa hai giới là việc 56% nữ giới cho rằng nam giới sẽ vẫn quấy rối tình dục nhưng giờ sẽ “khôn” hơn để không bị bắt gặp. Trong khi nam giới thì có đến 58% ý kiến lo sợ về việc sẽ bị cáo buộc oan.
Do lần thu thập thông tin diễn ra khá sát với thời điểm #MeToo đang gây xôn xao dư luận, nên nhóm nghiên cứu quyết định thu thập thông tin thêm lần nữa vào đầu năm 2019. Và kết quả về giai đoạn “hậu #MeToo” còn khiến chúng ta để tâm hơn. 19% nam giới sợ việc thuê nữ nhân viên, và 21% tránh việc thuê nữ nhân viên vào các công việc tiếp xúc riêng tư. Con số nam giới tránh các buổi họp riêng tư với đồng nghiệp nữ có giảm chút đỉnh nhưng vẫn duy trì ở 27% (so với khoảng 1/3 ~ 33% vào năm trước). Thậm chí các nhà nghiên cứu còn liên tưởng đến quy định tự đặt của phó tổng thống Mỹ Mike Pence khi tránh tham gia ăn tối cùng đồng nghiệp nữ, trừ khi phu nhân của ông tham gia cùng.
Giáo sư Rachel Sturm thuộc đại học Wright State University cho biết cô cảm thấy thất vọng về những con số kết quả, thay vì ngạc nhiên. Việc nam giới cho biết họ sẽ ngừng thuê nữ nhân viên, hay ngừng gửi nhân niên nữ đi công tác, hay loại bỏ nữ giới khỏi các cuộc họp là một sự thụt lùi. Những nhà nghiên cứu gợi ý rằng giờ là lúc các công ty đem các buổi huấn luyện vào chương trình cho nhân viên để phòng tránh việc quấy rối tình dục. Trước đây các buổi huấn luyện đa phần đều chỉ chú trọng việc nhận biết hành vi quấy rối. Giờ đây mục tiêu đó đã được hoàn thành. Vì thế hiện tại các công ty nên chú trọng về việc giáo dục “hành vi và cách biệt trong cư xử với đồng nghiệp khác giới”.
Các nghiên cứu giúp chúng ta nhận biết được việc có một bộ phần nhân viên có lối suy nghĩ tiêu cực về phân biệt giới tính, và thông qua huấn luyện chúng ta có thể giảm thiểu được suy nghĩ này. Đồng thời, cũng có một bộ phận các nhân viên có can đảm và ý thức ngăn chặn những hành vi quấy rối xung quanh cần được đẩy mạnh. Dù hiện tại các huấn luyện này vẫn chưa được tiến hành nhưng các tài liệu và phương pháp thì đã có sẵn cho các công ty tiến hành bất kỳ lúc nào.