Hồi ký – Fan Ho

[Trích từ tạp chí Cereal 18 – chủ đề Legacy]

Fan Ho là một nhiếp ảnh gia đặc biệt nổi tiếng của Hong Kong. Thế nhưng có một điều đặc biệt về nhiếp ảnh gia này mà ít ai biết. Cả cuộc đời mình ông chỉ sử dụng duy nhất có một chiếc máy ảnh. Đó là chiếc máy ROLLEIFLEX 3.5 SERIES CAMERA, chiếc máy ông mua từ năm 18 tuổi. Rolleiflex 3.5 được thiết kế với hai ống kính đôi. Một dùng để bắt chủ thể, một dùng để nhắm cảnh vật.

Ánh sáng và bóng tối giao thoa trong những hình thù khúc chiết: Một chùm ánh sáng giao thoa giữa cầu thang tối, một dải tối zích zắc bắt qua một con đường đầy nắng. Một mảng sáng chia cắt bức tường bê tông thành hai. Hình bóng con người điểm xuyết khiến những hình hài lập thể có thêm sức sống. Ánh sáng rạng rỡ chiếu sáng trên vai người đàn ông đang gánh một giỏ liễu trĩu nặng, đầu và vai oằn đi dưới sức nặng của gánh hàng. Hay một người đàn ông trung niên chấp tay đi thong dong trong đôi dép lê. Những người mẫu tình cờ này không hề hay biết mình lọt vào ống kính của một chàng trai trẻ cầm chiếc máy Rolleiflex, kiên nhẫn “cắm câu” ở một góc.

Những năm tuổi trẻ đôi mươi, căn bệnh đau đầu kinh niên của chàng trai trẻ Fan Ho được các bác sĩ “kê toa” bằng những buổi đi dạo trong thành phố, nhằm giúp anh giảm bớt căng thẳng học hành. Thế nhưng chàng trai trẻ Fan Ho lại cảm thấy việc đi loanh quanh như thế thật phí thời gian. Thế nên anh ta bèn mang theo máy ảnh. Không quá ưa chuộng sự hào nhoáng nhộn nhịp của một Hong Kong trên những con phố lớn, chàng trai trẻ Fan Ho đi tới những góc đường khuất nẻo hơn, rồi ở đó đợi. Có khi là cả ngày trời chờ đợi trong vô vọng. Có thể là một con chó, con mèo, hay người già, trẻ nhỏ, đàn ông đàn bà. Chỉ cần có thể chạm đến cảm xúc của Fan Ho.

Về sau, trong một buổi phỏng vấn năm 2014, Fan Ho tâm sự: “Tôi phải đợi, đợi một chủ thể xuất hiện và làm trái tim tôi rung động. Tôi muốn có nhân tính trong tác phẩm của mình. Nếu bạn nhấn vào màn trập mà chẳng rung động gì, thì bạn cũng đừng mong khán giả của mình cảm nhận được gì.”

Ảnh của Fan Ho giữ lại một Hong Kong xưa cũ. Đó là những nhịp sống lặng thầm bên trong bóng tối của những con hẻm nhỏ. Thậm chí vào những năm 50, khi mà dân số Hong Kong đã tăng gấp đôi do dòng người tị nạn khỏi Quốc Dân Đảng ùa vào Hong Kong, thì ảnh của Fan Ho vẫn duy trì nét tĩnh lặng ấy. Fan Ho như một nhà viết sử, ghi lại những nét văn hoá của người Quảng Đông khi nó dần biến mất: những chiếc xe kéo bằng tay bởi những người kéo xe mệt mỏi chạy qua những con đường ngang dọc đường ray xe điện. Những đứa trẻ bán báo lem luốc chạy chân trần qua những con hẻm nhỏ lao động. Hay những người thợ cắt tóc và những người bán hàng rong. Ảnh của ông tưởng nhớ đến thời kỳ này, nhưng nó cũng đồng thời ghi dấu và bao quát về cuộc sống nói chung của nhân loại.

Fan Ho được hơn 200 giải thưởng về nhiếp ảnh, hầu hết trước tuổi 30. Ông thậm chí còn được nhìn nhận là nhiếp ảnh gia có kỹ thuật cá nhân tốt nhất thế giới vào năm 1958. Ông từng tổ chức triển lãm ảnh tại Hong Kong. Nhưng sau năm 1960, Fan Ho chuyển sang làm đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật cho phim. Ông nghỉ hưu vào năm 1996 và chuyển đến sống tại San Jose, California.

Nhận biết lợi thế sự nghiệp của mình nằm ở giai đoạn này, Fan Ho đã hợp tác cùng với Modernbook, một nhà sách và gallery triển lãm tại Palo Alto. Bryan Yedinak, người đồng sở hữu Modernbook và phòng triển lãm đối tác Themes + Projects kể lại cuộc gặp đầu tiên của họ vào năm 2000. “Ông ấy đến mua sách và chuyện trò với chúng tôi về nghệ thuật và nhiếp ảnh. Rồi khi chúng tôi trở thành bạn được vài tháng, ông ấy mới bộc bạch mình là một nhiếp ảnh gia, và hỏi tôi có muốn xem ảnh ông chụp hồi 50 năm trước không. Một tuần sau đó, ông ấy đem tới một túi Ikea lớn, bên trong toàn những ảnh chụp đã tráng ra khổ lớn. Hồi đó gallery còn mới, nên chúng ta chưa bao giờ được tận mắt thấy những thứ như vậy. Ông rất nhiệt tình và thân thiện, chỉ dẫn cho chúng tôi từng bức ảnh, về thời gian và câu chuyện của chúng, rồi kỹ thuật chụp, rồi cả những bí quyết tráng ảnh trong phòng tối ông dùng. Ông hỏi chúng tôi có muốn cho khách hàng xem những tấm hình này không. Và chúng tôi nhận lời.” Năm đó, Fan Ho tổ chức thêm một triễn lãm ảnh cá nhân về Hồng Kong. Và đó cũng là lần đầu người đương thời được xem những bức ảnh chụp về những năm 60.

Khi Fan Ho ra đi vào năm 2016, Modernbook vẫn tiếp tục xuất bản thêm 3 cuốn sách ảnh của ông với tên gọi Hong Kong Yesterday (Hong Kong ngày hôm qua), The Living Theatre (Nhà hát sống), và A Hong Kong Memoir (Hồi ký về một Hồng Kong). Fan Ho được xem như nhà nhiếp ảnh có những bức ảnh chụp về giai đoạn giữa thế kỷ ấn tượng nhất. Có những thứ cảm xúc rất khó gọi thành lời trong những tác phẩm của ông: một thứ cảm xúc phép màu.