Mẹo giảm thiểu việc lãng phí thực phẩm hằng ngày

Tác giả: Simon Scott
Người dịch: Thư L.

Tiết kiệm thực phẩm mang lợi ích cho trái đất của bạn, sức khoẻ của bạn, và túi tiền của bạn.

Trên toàn thế giới có một phần ba thực phẩm tại các nhà bán lẻ, kho hàng và các nhà sản xuất bị trực tiếp vứt đi. Lượng thực phẩm này tương đương với $940 tỉ đô la bỏ phí. Chỉ tính riêng nước Úc, cứ 5 túi thực phẩm mua về thì có 1 túi bị vứt đi, nghĩa là mỗi hộ gia đình đã phí mất $3,800 đô hằng năm. Và điều này có thể thay đổi được, chỉ với một vài nỗ lực nhỏ từ mỗi chúng ta. Trên thực tế, việc sử dụng thực phẩm có kế hoạch không phải chỉ vừa xuất hiện trong thế kỷ 21. Mà ngược lại, truyền thống này từng kéo dài qua nhiều thế kỷ trước khi các cuộc cách mạng công-nông nghiệp xảy ra, và thực phẩm trở nên quá rẻ để được xem trọng.
Nên nhớ rằng, tất cả các loại trái cây trái mùa và những thực phẩm hữu cơ không phải lúc nào cũng nằm trên kệ hàng hoá siêu thị vào những năm 1900-gì-đó. Vì thế mà ông bà chúng ta đã từng phải bắt buộc có những ghi nhớ và trình tự kỹ càng hơn, cho việc mua các loại thực phẩm vào đúng vụ của chúng, hoặc phải đợi qua năm tiếp theo mới mua lại được. Mua hàng online hay vận chuyển thực phẩm bằng hàng không cũng không hề phổ biến 10 năm đổ về trước, vì thế người ta hầu như chọn mua thực phẩm sản xuất ngay tại địa phương. Việc mua các loại nông sản trái mùa không chỉ gây hại cho môi trường (vì cần nhiều năng lượng duy trì nhiệt độ và điều kiện nhân tạo, hoặc tốn nhiên liệu vận chuyển từ nơi khác tới), mà còn ‘gây hại’ cho túi tiền của bạn lên tới 40% so với chỉ mua các thực phẩm địa phương đúng mùa.

Những tín hiệu đáng mừng

Chúng ta không phải những người duy nhất chủ động hướng tới những giải pháp giảm thiểu sự lãng phí lương thực. Theo các nghiên cứu xã hội gần đây của Mỹ, các quán cà phê và nhà hàng nhỏ đang góp phần lớn vào việc thay đổi thói quen tiêu thụ lương thực. Nếu từng xem show “Kitchen Nightmare” của siêu đầu bếp Gorden Ramsay, bạn sẽ nhận ra lời khuyên của ông là thu nhỏ menu lại, và luôn ưu tiên chế biến thực phẩm tươi mỗi ngày. Và đó cũng là xu hướng chung của các nhà hàng nhỏ hay quán cà phê tại Mỹ. Thậm chí, nhiều nhà hàng còn nảy ra sáng kiến để món “đặc biệt” vào thực đơn mỗi ngày – nhằm giúp đầu bếp tận dụng được các nguyên liệu chế biến sắp hết hạn.

Các mẹo vặt trên TikTok hay Youtube giúp tận dụng thực phẩm cũng đang trở thành một trào lưu xanh. Ví dụ như việc dùng các nguyên liệu rau củ thừa từ tối hôm trước chưa nấu hết để làm salad cho ngày hôm sau. Hoặc sử dụng các nhánh, thân của các loại cây gia vị khi nấu soup, hoặc dùng các loại lá không đủ tươi cho salad để xay thành sốt pesto hay sinh tố. Những người theo dõi và thực hành theo các phương pháp này cho biết họ cảm nhận được năng lượng tích cực khi “hoàn thành được một việc tốt”, đồng thời cũng tiết kiệm được cả tiền bạc và thời gian đi shopping.

Làm thế nào để giảm thiểu việc lãng phí lương thực?

Nếu bạn đang có ý định chủ động tham gia vào “cuộc chiến” chống lãng phí thực phẩm quy mô toàn cầu này, thì dưới đây là một vài kế hoạch “tác chiến”:

Luôn viết ra các thứ cần đi Shopping. Về nguyên tắc, hãy chia thực phẩm thành các nhóm: rau củ tươi, thịt cá, dairy (sữa, trứng, bơ, phô mai…), đồ khô (gia vị, sauce, các loại mì, ngũ cốc), và sắp xếp kế hoạch mua sắm cho hợp lý với hạn sử dụng của chúng. Ví dụ như bạn sẽ cần đi mua rau củ và sữa mỗi ngày hay tuần, thịt cá theo tuần, đồ khô theo tháng. Tránh mua quá nhiều sẽ dẫn đến việc phải bỏ khi chúng hư hỏng hoặc hết hạn.
Bạn có thể trữ những loại thực phẩm thừa dưới dạng khô, chỉ với những mẹo phơi khô cổ truyền, hoặc đầu tư những chiếc máy food-dehydrator (máy sấy thực phẩm). Các rau củ bạn tự thu hoạch được hay được tặng, nếu không sử dụng hết, hãy đem chúng đi phơi khô, làm thành các loại mứt, trà, rau khô. Bạn có thể trữ chúng tới mùa đông khi giá rau củ mắc hơn, hoặc đem đi tặng lại bạn bè.
Mua sắm thực phẩm đúng mùa, và mua ở những cửa hàng trong khu vực để có mức giá thấp nhất, đồng thời giảm luôn cả tiền di chuyển. Đừng quên làm thẻ thành viên để tích điểm nhé.

 

Hãy sáng tạo hết mức có thể với những loại thực phẩm bạn mua. Và chỉ bỏ đi các phần không thể ăn được. Bạn sẽ thấy mình trở thành “cao thủ” các món ăn ‘fusion’ ngay. Tránh để thức ăn thừa, nhưng nếu bạn lỡ có một ít phần thừa, hãy cố gắng xử lý chúng trong bữa ăn tiếp theo. Ví dụ như fruit salad dư có thể trở thành smoothies hôm sau, hoặc cà rốt nấu ăn còn thừa có thể là món snack ngon lành cho buổi khuya.

Tận dụng tủ đông nhà bạn hết mức (nhưng nhớ sắp xếp gọn gàng nhé). Những tips trữ hành lá, tỏi và ớt đã quá quen thuộc rồi nhỉ? Và bạn có biết, nếu để thịt vào tủ đông ngay khi mua về, bạn có thể kéo dài hạn sử dụng thêm 6 tháng không? Vậy nên nếu lỡ mua thừa thịt cá, hãy cho chúng vào tủ đông và trữ cho tuần tiếp nhé.

Đừng quan tâm tới vẻ ngoài làm gì. Mua rau củ không phải chọn hoa hậu, và vì thế nếu bạn không ngại, những loại rau củ có hình dáng hơi xấu xí một chút thường sẽ bán với giá rẻ hơn nhiều đấy.

Nhiêu đây có lẽ là hơi đủ để bạn lên kế hoạch cho lần đi chợ tiếp theo rồi. Nhớ đừng quen chia sẻ với bọn mình những mẹo vặt hay ho khác nhé. Bon appétit.