1. Ovos moles (bánh lòng đỏ trứng mềm) tại Lisbon
Nếu là dân sành đồ ngọt, bạn hẳn khá quen thuộc với món bánh tart trứng của xứ Bồ, với phần vỏ ngàn lớp giòn tan và nhân trứng mềm mại nướng xém. Nhưng với dân bản xứ Lisbon, thì còn có một món bánh còn được ưa thích hơn bánh trứng, đó chính là món ovos moles. Với kích thước chỉ nhỏ vừa lòng bàn tay, đây là món ăn vặt quen thuộc của dân Lisbon.
Trong tiếng Bồ Đào Nha, Ovos moles có nghĩa là “trứng mềm”, và quả thật hình dạng nguyên bản của món bánh này trông giống hệt một quả trứng luộc trắng mềm. Phần vỏ được làm từ lớp bột mì hoặc bột gạo rất mỏng, khiến vỏ bánh giòn tan và mang màu trắng tinh khiết. Phần nhân bánh có đôi chút hao hao với món bánh bao cadé mà người Việt quen thuộc, làm bằng lòng đỏ trứng trộn cùng bơ sữa. Món bánh này xuất hiện từ một cuốn cookbook được viết năm 1680 bởi Domigos Rodrigues. Và khác với món Pasteis De Nata – tên của món bánh tart trứng – thường xuyên được cải tiến công thức để hợp thời và khẩu vị khách du lịch quốc tế hơn, món Ovos Moles vẫn được giữ nguyên cách làm suốt từ thế kỷ 17 đến nay.
2. Mitarashi dango (bánh nếp nướng sốt tương ngọt) tại Kyoto
Ở Nhật, có hàng ngàn món ăn vặt đường phố khác nhau có thể liệt kê vào danh sách “ngon nhức nhối”, nhưng món ăn lâu đời nhất chính là dango. Dango là món ăn vặt rẻ tiền nhưng rất quen thuộc với người Kyoto. Nếu bạn từng ghé đến thành phố xinh đẹp này, không khó để tìm thấy những quầy hàng bán dango ở khắp mọi nơi. Món ăn đơn giản làm từ bột gạo pha lẫn bột nếp này đã có mặt từ rất lâu đời. Nhiều người nói, nó xuất hiện cùng lúc với ngôi đền Shimogamo linh thiêng tại Kyoto. Một phần Dango luôn có 5 xâu, tượng trưng cho 5 bộ phận cơ thể của con người.
Dango không có vị gì, ngoài một chút vị ngột bùi của bột nếp, phần linh hồn của món ăn này nằm ở món sốt có tên mitarashi. Mitarashi được đặt theo tên của hồ nước trong đền Shimogamo. Loại sốt này chỉ có hai nguyên liệu chính là nước tương và đường, sự gia giảm và những nguyên liệu khác là không gian cho người đầu bếp sáng tạo. Mặn, ngọt, bùi, kèm lẫn một chút xốp xốp của bột nếp nướng qua than hồng. Hương vị của món mitarashi dango cũng giống như thành phố Kyoto vậy: vị ngon dịu dàng thanh tao và không quá mãnh liệt hay bùng nổ, nhưng sẽ khiến bạn phải luôn khắc khoải mỗi lần nhớ đến.
3. Rolex (bánh trứng mì cuộn trứng) tại Kalampa
Với phần lớn người trên thế giới, từ Rolex gợi nhắc một ý nghĩa xa hoa, nhưng với người dân thủ đô Kalampa của Uganda, rolex là từ khiến người ta … chả nước miếng! Bởi vì đó là tên của món streetfood được ưa chuộng nhất thành phố Đông Phi này. Khác với những món streetfood thời vụ theo trào lưu du nhập từ các nước phương Tây, rolex là món ăn truyền thống lâu đời của Uganda. Rolex được đọc trại từ “roll-egg”, và cũng mô tả hoàn hảo cách làm của món ăn này. Một lớp bánh mì chapati (bánh mì dẹt phẳng từ bột mì không ủ men), một lớp trừng đánh bông, thêm một ít rau củ theo mùa hoặc theo ý thích, sốt cũng đa dạng tuỳ khẩu vị, thế là bạn đã có thể bắt chước được hương vị của món ăn vua tại các ngõ lớn nhỏ thành phố Kalampa.
Thế nhưng người dân Kalampa khẳng định, không nhà hàng nào có thể làm ra được loại hương vị giống như những chiếc bánh ở những quầy hàng rong ngay Kalampa, bởi vì món ăn này không chỉ có những hương vị liệt kê ra bằng giấy viết, mà nó còn chứa cả nét nhộn nhịp, những khói bụi của vùng Đông Phi, mùi của những chảo gang nhuốm khói lâu ngày, và âm thanh nhịp điệu cuộc sống nơi đây.
4. Bostan Kebab (cà tím nhồi thịt nướng than) tại Instanbul
Ghé ngang thành phố Instanbul, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra mấy cái bản đồ chỉ là đồ bỏ, bởi nếu muốn thực sự tận hưởng thành phố này, không cách nào hay hơn là để bản thân tự đi lạc. Quán Mutfak Dili đã được phóng viên của Fare tìm ra trong một buổi đi lạc có chủ đích như thế. Bà chủ không nói món Bostan Kebab là món tủ, nhưng theo những thực khách quen thuộc, món Bostan Kebab là linh hồn của quán ăn có tuổi đời 40 năm này.
Bostan Kebab thực chất là món cà tím, loại cà tím Tây tròn mập, có một chút vị chát khác với loại cà tím thuôn nhỏ của người châu Á, thế nên dân Instanbul đã khoét bỏ phần ruột chát đi, và nhồi vào đó thịt bằm trộn cùng gia vị. Sau khi nướng lên rồi rưới món sốt béchamel làm từ kem sữa tươi nấu cùng rau thơm, món ăn này có thể khiến cái bụng của bạn trở nên không đáy. Món này được dọn ra với một phần nhỏ khoai tay nghiền, loại khoai của Thổ Nhĩ Kỳ với màu vàng sậm và vị béo đậm đặc khiến bạn không thể nào chấm nổi miếng bánh mì giòn vào tô mà chỉ có thể ăn từng muỗng nhỏ.
5. Anticuchos de corazón (tim bò xiên que) tại Lima
Nếu trú chân ở khu Avenida Santa Cruz, bạn hãy chịu khó đi ra khu Calle Jose Palacios. Ở đó, khoảng sau 8h bạn sẽ bắt gặp dòng người xếp hàng đông nghịt chỉ để mua vài palitos – món xiên que nướng. Nếu tới sớm và may mắn, bạn sẽ chỉ mất 20 phút để được cầm trên tay chiếc xiên que thơm lừng này.
Hàng ăn đông nghịt này là một trong những nơi bán món anticuchos nổi tiếng nhất Lima. Từ anticuchos bắt nguồn từ tiếng thổ dân Nam Mỹ có nghĩa là cắt nhỏ và xiên que, vốn là cách xử lý món ăn truyền thống của người bản địa. Khi người Tây Ban Nha tới Nam Mỹ, họ đã mang món ăn này vào thực đơn các món được ưa chuộng của Lima. Góc đường nơi Calle Jose Palacious chỉ món đúng một món là tim bò xiên que nướng. Thịt tim bò được cắt thành khối, tẩm ướp cùng tỏi, dấm, thì là, bột ớt đỏ, muối, và xiên qua cây mía chẻ nhỏ, rồi nướng trên than hồng.