Hara Hachi Bu – Triết lý “ăn tám phần no” của người Nhật

(Theo tạp chí Eat Well – số tháng 7/2019)

Thông tin về việc ăn uống sao cho khoẻ mạnh đang thực sự quá tải trên các trang mạng xã hội và truyền thông. Điều này vô tình khiến cho người đọc cảm thấy băn khoăn: liệu đâu mới là phương pháp ăn kiêng đúng đắn. Vì thế, chúng tôi xin được giới thiệu đến bạn một quan điểm ăn kiêng. Quan điểm này không hề đi ngược với các phương pháp ăn kiêng khác hiện nay như Keto hay Paleo, ngược lại, quan điểm Hara Hachi Bu có thể bổ sung hoàn hảo cho việc cân bằng dinh dưỡng của bạn.

Triết lý Hara Hachi Bu

Người dân Okinawa sống rất thọ và khoẻ mạnh

Bắt nguồn từ Confucius – Khổng Tử, Hara Hachi Bu ban đầu chỉ là một trong những quy tắc bàn ăn để cư xử cho lịch thiệp. Người dùng bữa (có thể đang ở vai trò làm khách) chỉ nên ăn no 8 phần. Điều này vừa biểu hiện sự lịch sự (chú ý đến những người xung quanh), cũng vừa biểu hiện được phong thái ăn uống nhã nhặn. Đến ngày nay, triết lý Hara Hachi Bu còn được ứng dụng vào dinh dưỡng học tại Nhật.

Người dân đảo Okinawa là những người gìn giữ triết lý này lâu nhất. Người dân nơi đây cũng nổi tiếng có độ tuổi trung bình cao, với tỉ lệ bệnh tim mạch, béo phì hay cao cholestoral thấp nhất thế giới. Một nghiên cứu của các nhà khoa học trong nhiều năm nhằm tìm ra bí quyết trường thọ của người Okinawa đã đưa ra một kết luận thú vị.

Ngoài thực đơn nhiều rau củ và cá, cách ăn của người Okinawa mới là chìa khoá trường thọ.

 

Hara Hachi Bu chính là chìa khoá cho sự trường thọ của người Okinawa. Trong nhiều năm, khi các nhà khoa học loay hoay tìm thực đơn “vàng” cho một cơ thể khoẻ mạnh, họ mới nhận ra người dân Okinawa cũng ăn uống như tất cả các người dân Nhật Bản khác. Tuy chế độ dinh dưỡng của người Nhật đã nổi tiếng tốt cho sức khoẻ (họ ăn nhiều cá và rau củ), chính cách ăn uống của người dân Okinawa mới là chìa khoá cho một cơ thể khoẻ mạnh.

Khoa học đã chứng thực

Việc ăn no bụng theo niềm tin của đa số người phương Tây thực ra không hề tốt cho cơ thể và hệ tiêu hoá. Việc ăn no không giúp ích cho cơ thể, mà sẽ càng khiến cơ thể quen dần với việc ăn nhiều hơn và chịu đói kém hơn. Khá nhiều bệnh nhân béo phì thường phải làm phẫu thuật thu nhỏ hoặc cắt bớt bao tử để giảm bớt lượng đồ ăn dung nạp.

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, mất 20 phút thì não bộ chúng ta mới có thể nhận biết được tín hiệu “no” từ bao tử. Nếu bạn tiếp tục ăn cho đến khi bạn cảm thấy no, nghĩa là bạn đã ăn quá mức. Việc này khiến bao tử chúng ta ngày càng giãn ra để thích ứng với lượng đồ ăn dung nạp mỗi bữa. Và như thế, cứ mỗi ngày bạn ăn lại càng nhiều.

Việc ăn uống khi đang xem phim hoặc ngồi trước máy tính cũng khiến vấn đề càng thêm trầm trọng. Cơ thể chúng ta sẽ tiết ra nhiều dịch vị hơn, khiến chúng ta ăn nhiều hơn mức cần thiết.

Không cần ăn đúng bữa để kiểm soát cân nặng.

Thêm vào đó, Hara Hachi Bu không bắt buộc bạn ăn đúng bữa. Thay vì quan niệm “đến bữa thì cần ăn”, Hara Hachi Bu chỉ khuyến khích bạn ăn khi thấy đói thật sự, và dĩ nhiên chỉ ăn no đến 80%. Khi bao tử của bạn chỉ đầy 8 phần, chúng sẽ có thêm không gian để tiêu hoá thức ăn một cách kỹ lưỡng hơn. Những người bị loét bao tử, bị dư gas hay axít trong dạ dày đều nên tuân thủ theo triết lý Hara Hachi Bu.

Ý thức ăn uống hơn

Nếu như ban đầu Hara Hachi Bu được dùng để kiểm soát lời ăn tiếng nói của một người, thì bây giờ, triết lý này còn có khả năng giúp chúng ta rèn luyện tinh thần.

Để ăn được 8 phần no, bạn phải thực sự chú ý đến khẩu phần và lượng thức ăn dung nạp mỗi bữa. Việc chú ý đến cảm xúc no/đói của cơ thể khiến chúng ta tăng tính kỷ luật lên. Bạn sẽ để ý đến thời gian và tần suất cơ thể đói hơn. Đồng thời bạn cũng sẽ tăng tính kiên nhẫn lên, bởi vì Hara Hachi Bu đòi hỏi phải ăn chậm, nhai kỹ, và mất thời gian khá lâu để quen hoàn toàn với việc chỉ ăn no 8 phần.

Luyện tập Hara Hachi Bu

Hara Hachi Bu là một phương pháp dựa trên việc rèn luyện muscle memory – trí nhớ cơ bắp. Theo ước tính, bạn cần ít nhất 15-20 bữa ăn theo triết lý Hara Hachi Bu để hoàn toàn thích ứng. Vậy nên hãy kiên nhẫn nếu bạn cảm thấy đói cồn cào ở những lần đầu tiên nhé.

Hara Hachi Bu cũng đòi hỏi bạn phải ăn thức ăn chậm hơn. Như đã biết, chúng ta mất 20 phút để cảm nhận tín hiệu no từ bao tử. Vì thế, việc ăn chậm hơn trong khi chờ “tín hiệu” từ não bộ sẽ giúp bạn kiểm soát độ no tốt hơn trong những lần đầu tiên. Bạn cũng nên nhai thức ăn kỹ hơn, để thức ăn có thể trộn cùng enzym tiêu hoá trong nước bọt, giúp việc tiêu hoá nhanh hơn.

Kiểm soát lượng thức ăn hằng ngày

Khẩu phần là thứ quan trọng nhất trong Hara Hachi Bu. Hầu như chẳng ai thích để thừa thức ăn lại, vì vừa lãng phí vừa không hợp văn hoá người Việt. Vì thế, bạn có thể chủ động bớt hẳn 2 phần thức ăn so với bình thường để việc thực hiện Hara Hachi Bu dễ dàng hơn.

Chúc bạn thực hiện Hara Hachi Bu thành công và giảm cân nhé.