Nhật Bản luôn nổi tiếng với những sản phẩm có thiết kế ‘thông minh’. Sự thông minh được người tiêu dùng đánh giá này chứng là đại biểu cho một trong những đặc điểm cần có của mọi thiết kế ứng dụng: user-friendly. Với những thiết kế bao bì cho thực phẩm – vốn là những thứ được tiêu thụ nhiều và hằng ngày, các công ty thường chỉ chú trọng tính năng và nhãn hiệu. Thế nhưng thực tế một số sản phẩm như nước tương, rượu, gia vị sẽ nằm lại khá lâu trong nhà bếp, trong khi các loại thức ăn tuy được tiêu thụ nhanh nhưng lại được mang theo và trở thành một phần “style” của người mua, vì thế tại sao không làm cho những bao bì thực phẩm trở nên thật đẹp mắt và sẵn tiện tắng sự yêu thích của người tiêu dùng? Dưới dây là danh sách các thiết kế bao bì có tính ứng dụng và cả thẩm mỹ cao của Nhật trong năm 2021 do tạp chí Monocle bình chọn:
Hộp giấy đựng Masu Sushi tại trạm xe lửa Toyama:
Toyama nổi tiếng với món cơm nắm Masu Sushi. Gọi là sushi nhưng thực chất món cơm này có hình tròn dẹt, được nén lại thật chặt cùng với lớp cá ở bên trên và gói trong một tầng lá tre. Món cơm này có lịch sử gắn liền với các sự tích anh hùng của các vị samurai khi đi chinh chiến, họ mang món cơm bọc trong lá tre vốn có tác dụng diệt khuẩn và giữ cơm lâu hư để đi đường xa. Ngày nay, các “chiến binh” văn phòng trẻ tuổi cũng có thể dễ dàng tìm được món cơm Masu Sushi được đóng gói đẹp mắt và trang nhã như một món đồ trang trí tại các quầy hàng tiện lợi ở ga Tomoya.
Dashi Presso:
Dashi là loại nước dùng trong các món ăn của người Nhật với nguyên liệu chính là tảo biển và cá khô. Đây là loại thực phẩm khó lòng trữ trong thời gian dài, nên các bà nội trợ tại Nhật không thích mua nước dùng Dashi có sẵn, vì dung tích lớn khó có thể dùng hết trong một lần. Họ thường tự nấu mỗi khi cần dùng tới với bột dashi khô. Với sáng kiến sử dụng hộp giấy có nắp đóng tương tự như hộp nước trái cây, công ty chuyên sản xuất dashi có tuổi đời 153 năm Maruhachi Muramatsu đã làm sống lại sản phẩm nước dùng có thương hiệu Yaizu Zempachi của họ, giúp tăng mạnh số lượng bán ra.
Hộp Bento tự làm nóng
Thích ăn cơm nóng hổi nhưng ngại mang vác theo hộp giữ nhiệt nặng nề? Ở Nhật, không cần tới hộp giữ nhiệt hy cơm nhà bạn vẫn có thể thưởng thức một bữa cơm nóng, thậm chí là ngay giữa công viên cây xanh nắng vàng. Làm thế nào ư? Chỉ với phát minh hộp cơm tự làm nóng. Bằng một cú giật sợi dây dính bên hông hộp cơm, một phản ứng hoá học nhỏ sẽ xảy ra đủ làm ấm hợp cơm của bạn mà không cần tới bất kỳ bếp lò hay microwave nào cả. Và chỉ mất có đôi ba phút mà thôi.
Yoi Gohan
Cơm trộn là món ăn nhẹ trứ danh của nhà trọ Hamada Ryokan ở thị trấn nhỏ Rikubetsu, Hokkdaido. Và để món ăn đến được tay những thực khách phương xa nhớ thương hay tò mò món cơm trộn mazegohan này, nhà trọ đã cho ra đời hẳn phiên bản đóng lon vô cùng tiện lợi, dễ vận chuyển mà còn giữ nguyên vẹn được hương vị dẻo ngọt của cơm. Điều đặc biệt là toàn bộ nguyên liệu làm cơm đều là nguyên liệu địa phương của Rikubetsu.
Umeshu của xưởng Amber
Umeshu là món rượu mơ ngâm phiên bản Nhật. Và như bao món rượu mơ ngâm khác, món này chỉ hợp uống cùng bạn bè, người nhà hay trong những buổi ăn thân mật. Thế nhưng xưởng rượu Liquor Innovation có trụ sở tại Tokyo lại nghĩ khác. Họ đã thuê công ty PKG Tokyo thiết kế ra bao bì chai phiên bản giới hạn cho dòng rượu mơ ủ lâu năm, với giống mơ Wakayama, nơi sản sinh ra những loại mơ chất lượng hàng đầu Nhật Bản, và cũng là nơi có giống mơ Nanko ngon nhất thế giới. Amber’s Umeshu giờ đây không chỉ ngon, mà còn là một món quà đáng cân nhắc mỗi dịp trịnh trọng.
Cà ri Kyoto Takenoko
Thật khó tin khi nhìn thấy bột curry – một nguyên liệu nấu ăn cũng quen thuộc với người Nhật không kém nước mắn của người Việt lại được người ta cầu kỳ thiết kế đến mức này. Nhưng đúng là những chiếc hộp đựng của loại gia vị curry ngon nổi tiếng của hãng Takenoko Kyoto được tỉ mỉ đựng trong những hộp tre của khu Nishiyama. Những năm gần đây số lượng của loại tre này đang giảm dần, nên doanh số từ mỗi hộp gia vị sẽ được trích ngược lại để bảo tồn cho rừng tre thiên nhiên.
Cava
Dòng sản phẩm cá thu đóng hộp này do hai công ty cá hộp tại Iwate và công ty thực phẩm Eat, and Energy ở Đông Tokyo hợp tác sản xuất. Hương vị ổn của sản phẩm là điều không phải bàn cãi, với năm loại lựa chọn là chanh-húng quế, tương ớt, dầu olive, tiêu đen và acqua pazza kiểu Ý. Thứ đáng chú ý nhất của sản phẩm này là bao bì tối giản đến mức khó tin, nhưng lại giúp Cava nổi bật trong một hàng những sản phẩm cùng loại.
Amasake
Amasake là một ví dụ chứng minh về sự can đảm có thể được bù đắp. Là xưởng sản xuất rượu từ năm 1597, nhưng gần đây hãng Kojima Sôhnten đã không còn giữ được doanh số vì cạnh tranh quá khốc liệt. Vì thế họ đã mạnh dạng ra mắt một dòng sản phẩm mới toanh là loại nước uống sinh tố tốt cho sức khoẻ không hề có cồn, với nguyên liệu chủ yếu là Kome-Koji, loại gạo lên men vốn là nguyên liệu chính là ra sake.
Izameshi
Chúng ta thường dự trữ một số loại thực phẩm đóng hộp cho những trường hợp khẩn cấp. Nhưng chúng thường là những loại đồ khô hay mì không quá ngon miệng. Còn với người dân Nhật, đồ dự trữ của họ có thể là một bữa thịnh soạn ra trò với những sản phẩm đóng hộp cỉa Izameshi, với đa dạng từ cơm trắng, cơm gạo lức, cơm đậu, và hơn 60 lạoi thức ăn kèm. Chỉ cần cắt miệng túi, hâm nóng là bạn sẽ có ngay một bữa ăn hoàn chỉnh tươm tất rồi.
Tsunan Brewery Go Pocket Sake
Cơm hộp, sushi hôp, nước dùng hộp, nên dĩ nhiên người Nhật chẳng ngại gì mà bổ sung vào danh sách các món ăn tiện lợi của mình bằng món rượu sake. Thế nhưng khác với Amber Umeshu tự bứt phá ra khỏi truyền thống bằng một dòng sản phẩm cao cấp hơn, Tsunan Brewery lại quyết định bình dân và tiện lợi hoá dòng rượu sake của mình bằng cách sản xuất chúng thành những túi có dung tích 100ml. Kết quả? Nhữg buổi cắm trại bên đống lửa ở tỉnh Niigata giờ đây chắc khó lòng thiếu vắng vài túi Go Pocket trong hành lý. Lại là một cú bứt phá liều lĩnh nhưng thông minh.