“Be happy with what you have. Be excited about what you want.”
Con đường đi tìm hạnh phúc
Có những người dành cả đời để đi tìm kiếm hạnh phúc cũng như ý nghĩa thực sự của nó. Thậm chí, người ta còn cho ra đời hàng ngàn dịch vụ giúp con người tìm kiếm dù chỉ một mẩu hạnh phúc. Từ những lớp học yoga, đến những loại thực phẩm giúp kích thích hormone vui vẻ. Một số nơi trên thế giới còn có dịch vụ “ôm ấp”. “Professional cuddler” là nơi người ta tìm đến chỉ để được vỗ về, ôm ấp trong vài tiếng. Vậy thôi cũng đủ biết con người khao khát hạnh phúc đến mức nào.
Nhưng có phải việc chủ động đi tìm kiếm hạnh phúc chính là con đường ngắn nhất đi đến hạnh phúc không? Hans Thijssen, giáo sư triết học tại Đại học Radboud ở Hà Lan có một góc nhìn hoàn toàn khác so với số đông xã hội. Ông cho rằng, càng cố gắng đi tìm hạnh phúc, người ta càng dễ nảy sinh cảm giác lạc lõng và thất bại. Chìa khoá chính là việc học cách đi theo dòng chảy của cuộc sống.
Niềm vui vs Hạnh phúc
Nghiên cứu của giáo sư Thijsen chỉ ra sự sai lầm của con người trong việc định nghĩa hạnh phúc. Ông chỉ ra con người thường nhầm lẫn giữa “vui vẻ” và “hạnh phúc”. Dù niềm vui có thể khiến con người có thêm hạnh phúc, không có nghĩa hai điều này là một. Thực chất, “nỗi buồn” cũng có thể tồn tại cũng lúc với hạnh phúc. Cũng tựa như con người hoàn toàn có thể tìm thấy niềm vui khi bất hạnh.
Chính vì sự lầm lẫn này mà con người đang đuổi theo những thứ phù phiếm sai lầm. “Tiền không thể mua được sự hạnh phúc” – câu nói này hoàn toàn chính xác đấy. Bởi vì tiền chỉ mua được niềm vui thôi, mà niềm vui và hạnh phúc chưa hẳn luôn đi cùng đường.
Phải nói rõ rằng, nghiên cứu của giáo sư Thijsen không phản đối chúng ta tìm kiếm niềm vui mỗi ngày. Bạn có thể thoải mái tìm cho mình niềm vui từ một đôi giày mới mua, một buổi shopping thả cửa, hay một bữa ăn ngon, một suất xem phim. Tuy nhiên bạn cần hiểu rằng cảm giác vui vẻ đó rồi sẽ bị xoá mòn đi theo thời gian.
Vậy hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc trong định nghĩa của giáo sư Thijsen là một quá trình bền vững hơn như thế. Hạnh phúc không phải là chút ít cảm giác hưng phấn hay bồn chồn hay vui vẻ. Khi bạn đạt được trạnh thái cân bằng, bạn mới đang nắm giữ hạnh phúc.
Nghiên cứu của giáo sư Thijsen dựa trên những triết lý cuộc sống mà nhiều người sẽ nghĩ là đã quá “lỗi thời”. Ông đặt giá trị cốt lõi của “hạnh phúc” đi đôi với giá trị của đạo đức nhân loại, tình yêu, sự công bằng, lòng dũng cảm, và mục đích sống.
Nếu bạn thất nghiệp và có một ngày tồi tệ cũng không có nghĩa bạn không hạnh phúc. Bởi vì đó chỉ là một phần của cuộc sống. Cách bạn giải quyết vấn đề sẽ quyết định việc thất nghiệp và buồn bã là tạm thời hay kéo dài. Hãy dùng tới sự dũng cảm, mục đích sống, và có thể một chút tình yêu thương từ những người bên cạnh để nhanh chóng lấy lại cân bằng.
Học cách nghĩ cho cả người khác
Giáo sư Thijsen có đề cập đến những chuẩn mực đạo đức xã hội của con người sẽ giúp chúng ta dễ tìm được cân bằng và hạnh phúc hơn. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ hạnh phúc hơn và cân bằng hơn nếu xã hội xung quanh bạn cũng có sự cân bằng nhất định.
Những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới chưa bao giờ là những quốc gia giàu có nhất. Bhutan hay Thuỵ Điển hay Việt Nam đều có những tiêu chuẩn khác ngoài tiền cho mục đích sống.
“Carry out a random act of kindness, with no expectation of reward, safe in the knowledge that one day someone might do the same for you.” : ” Hãy cư xử tốt với cuộc đời mà không đòi hỏi hồi đáp, và vững tin rằng ngoài kia sẽ luôn có ai đó cũng cư xử tốt với bạn” _ Công nương Diana.