Tác giả: Helen Pilcher
Người dịch: Team Sạp Báo Nhỏ.
(trích từ sách “Small Inventions that made a big different”, có bán tại đây)
Không có gì khủng khiếp hơn vào một buổi sáng se lạnh, khứu giác bạn đội lên tận cùng, và bạn gặp “người đó” trên một chuyến xe bus hay ga điện ngầm. “Người-mà-ai-cũng-biết-là-ai”. À có lẽ là có, đó là khi bạn chính là “người đó” – kẻ mang mùi hôi dưới cánh.
Mùi hôi dưới cánh tay thường xảy ra khi con người đến tuổi dậy thì, việc thay đổi các nội tiết trong cơ thể khiến tuyến bã nhờn và mồ hôi dưới cánh tay hoạt động mạnh hơn. Khi bạn bị căng thẳng, hay chỉ đơn thuần do trời quá nóng, các tuyến mồ hôi tên apocrine này sẽ tiết ra các chất lỏng nhờn không hề có mùi để làm mát bề mặt da. Đúng vậy, mồ “hôi” ban đầu không hề có mùi, chúng chỉ thật sự “hôi” khi hàng tỉ con vi khuẩn sống ở bề mặt da hay quần áo chúng ta mặc ùa đến tấn công và phá vỡ chất lỏng, tạo ra những phân tử mùi dễ bay hơi. Em bé thơm ngát mùi sữa mà chúng ta thích hôn hít sẽ đột nhiên có mùi hôi. Và đó là lúc những câu chuyện chứng tỏ sự tế nhị của các bậc phụ huynh xảy ra, về lợi ích của chai khửi mùi.
Có hai loại chất chống khử mùi thông dụng hiện nay. Một loại có chứa nước hoa và các thành phần kháng khuẩn, giúp khử đi mùi mồ hôi tiết ra. Loại còn lại chứa các chất chống ra mồ hôi. Chất này sẽ len lỏi vào các lỗ chân lông và ngăn chặn việc tiết mồ hôi từ đầu. Trong lịch sử dài đằng đẵng của con người, tổ tiên của chúng ta hầu như… không làm gì nhiều để xử lý mùi hôi này. Với các tầng lớp quý tộc, họ chỉ đơn giản ngâm tắm trong nước hoa và các hương liệu để khử mùi. Số đông còn lại không có thời gian để quan tâm. Chỉ có người Ai Cập từng thử điều chế một loại sáp thơm làm từ trứng đà điểu, mai rùa, và mật cây. Họ bôi chúng lên đầu, cổ và cổ tay. Loại sáp này có dạng hồ, hoặc dầu bôi trơn, có bổ sung thành phần từ các loại thảo mộc có mùi thơm như Xả, Hoa Hồng, hay Quế.
Chai sản phẩm khử mùi sớm nhất được phát minh khá trễ, ở thế kỷ 19. Một nhà sáng chế người Mỹ đã làm ra chai khửi mùi đầu tiên vào năm 1888. Ông đặt tên nó theo biệt danh thân thương gọi người y tá của ông là “Mum”. Nó ở dạng kem sáp, với một lượng nhỏ chất kháng khuẩn dạng lỏng, đựng trong chai thuỷ tinh có nắp vặn, và dùng để xoa dưới cánh tay. Nhưng tại thời điểm đó, đa số mọi người cảm thấy sản phẩm này gây ra sự lộn xộn và bất tiện.
Sau đó vào năm 1903, sản phẩm khử mùi thương mại đầu tiên ra đời, được bày lên kệ với tên gọi Everdry. Nó được định danh là “chất chống mồ hôi”, với các hạt nhôm clorua cực nhỏ có tác dụng làm “nghẽn” lỗ chân lông và ngăn mồ môi chảy ra. Nhưng Everdry vẫn có vấn đề, bởi vì tính axit có trong sản phẩm, người dùng bị ngứa rộp và đôi lúc còn làm cháy các lỗ nhỏ trên áo quần.
Nhưng tạm bỏ qua vấn đề chất lượng sản phẩm mà bàn tới một vấn đề lớn hơn thời đó. Vào thời kỳ đầu sau triều đại Victorian, người ta cẫn còn giữ sự cổ hủ trong suy nghĩ, và ít khi muốn nói về những vấn đề cơ thể trước mặt người khác. Nhiều người tin rằng việc “khử mùi” là cản trở những tính năng tự nhiên của cơ thể, và vì thế họ chỉ xử lý mùi hôi thông qua các phương pháp tốn thời gian hơn như ngâm tắm, sử dụng nước hoa hay … kẹp một miếng bông gạc dưới nách. Vì thế câu hỏi đặt ra là làm sao bán được một sản phẩm tới một thị trường mà không ai muốn nói đến, nhắc đến hay nghĩ lần họ cần chất khử mùi?
Nữ sinh trung học Edna Murphey cũng trăn trở với câu hỏi đó nhiều ngày từ khi cha cô – một bác sĩ phẫu thuật, tạo ra một sản phẩm có tên Odorono (chơi chữ từ Odor – Oh No, nghĩa là Mùi hôi – Tránh ra). Cha Murphey đã tìm ra một hợp chất giúp tay ông không đổ mồ hôi khi làm việc trong phòng phẫu thuật, và Edna đã thử nghiệm trên vùng dưới nách, kết quả ngoài sức tưởng tượng. Edna có thể thấy được tiềm năng thương mại từ khám phá này của cha Murphey, nhưng với điều kiện những người khác cũng thấy được.
May mắn cho Edna Murphey, mùa hè năm 1912 là một mùa hè nóng bất thường. Sau khi thành lập công ty sản xuất Odorono, cô tiếp thị sản phẩm đầu tiên tại thành phố Atlantic, nơi khách tham quan đang ỉu xìu vì nóng, còn mùi hôi nách thì tản ra hết công suất trong không khí. Nhờ đó, sản phẩm bắt đầu bán chạy, còn Edna thì có đủ tiền thuê công ty quảng cáo ở New York tên J. Walter Thompson để quảng bá.
Những năm đầu tiên trên thương trường, sản phẩm Odorono được quảng cáo là sản phẩm “do chính bác sĩ tạo ra”, và chứng hôi nách là một “triệu chứng y khoa xấu hổ cần khắc phục”. Khá nhiều người đã tin ý tưởng này và mua sản phẩm của Odorono. Và nhanh chóng, Odorono lan rộng khắp thế giới.
Vài năm sau đó, trong một đợt khảo sát thị trường, người ta nhận thấy cứ 1 khách hàng sử dụng Odorono thì có thêm 2 khách hàng (chủ yếu là nữ) biết về nó. Tuy vậy nhiều người không cảm thấy Odorono cần thiết. Vì thế, một đợt chiến dịch quảng bá mới ra đời, nhắm vào yếu tố “kỳ thị”, nhấn mạnh rằng mùi hôi cơ thể (hay B.O. như họ gọi) là một vấn đề ý thức xã hội và rất nghiêm trọng tới nỗi có thể khiến phụ nữ trở nên bị xa lánh.
Rõ ràng chiến dịch quảng bá này không mấy “đạo đức”, nhưng nó đã thành công. Odorono bán ra tăng vọt, và sau đó nhiều nhãn hàng đã áp dụng chiêu số quảng cáo này cho các sản phẩm khác như thuốc trị bạc tóc tới tất da. Thậm chí công ty Listerine còn sử dụng minh hoạ vấn đề hôi miệng để quảng bá cho chai nước súc miệng của họ vào năm 1925, với thông điệp nhấn mạnh “often the bridemaids, but never the bride” (thường làm phù dâu mà chẳng bao giờ tới lượt).
Cũng cần nói thêm rằng trong suốt 50 năm đầu tiên bán ra, Odorono và các sản phẩm khử mùi hầu như chỉ tiếp thị cho nữ giới. Đàn ông, có vẻ như, không có mùi hôi (?!) Và họ có vẻ cũng chẳng mấy khi bị bắt quả tang xì hơi, ợ hơi hay cư xử thiếu tế nhị. Cho tới khi các nhà sản xuất nhận ra 50% tiềm năng thị trường còn chưa dùng tới. Copywriters cho các công ty như Odorono hay Mum bắt đầu thêm thắt vài dòng để thuyết phục cánh phụ nữ mua chai khử mùi cho chồng mình. Còn với cánh đàn ông, họ trực tiếp đánh mạnh vào tâm lý “mùi hôi cơ thể có thể gây ra thất nghiệp” trong thời kỳ đại suy thoái những năm 1930s. Các công ty sau đó tung ra sản phẩm khử mùi cho Nam, với những cái tên nhiều chất đàn ông hơn như “Top-Flyte”, hay “Sea-Forth”, và đựng trong những chai có hình dạng đặc biệt hơn, ví dụ như chai whisky nhỏ.
Từ năm 1942 đến 1957, thị trường chất khử mùi tăng 600%, và sản phẩm cũng dần được cải thiện. Lấy cảm hứng từ cây bút bi, nhân viên của hãng Mum và cũng là một nhà sáng chế có tên Helen Barnett Diserens đã phát triển ra loại chai có đầu lăn. Gillette cho ra mắt sản phẩm chống mồ hôi đầu tiên có dạng xịt tên “Right Guard”. Dù các sản phẩm bình xịt sau này dần bị loại bỏ do những lo lắng về tác động với môi trường và sức khoẻ của chúng ta, chai khử mùi vẫn tiếp tục phát triển dưới dạng lăn, que, kem, và phun (không có chứa gas như loại xịt). Một cách thầm lặng, ngành công nghiệp nhỏ này đã dần đặt ngưỡng giá trị $18 tỉ đô la. Quả là không thể ngửi ra được!